Trong "bộ tứ", TikTok Shop chứng kiến tăng trưởng mạnh nhất, đến 113,8%, giúp thị phần mở rộng lên 35% từ mức 23% cùng kỳ 2024. Shoppe vẫn giữ "ngôi vương" thị trường nhưng thị phần đã thu hẹp còn 62% so với mức 68% hồi quý I/2024. Nguyên nhân do "sàn cam" tăng trưởng GMV chậm hơn, ở mức hơn 29%.
Đáng chú ý, Lazada và Tiki tiếp tục chứng kiến hoạt động thu hẹp, lần lượt giảm 43,5% và 66,6% doanh số. Kết quả, Lazada hiện chỉ còn chiếm 3% thị phần và Tiki đã rất bé để ghi nhận thị phần trong báo cáo của Metric.
Trước đó, trong báo cáo tổng kết năm 2024, công ty tư vấn thương mại điện tử YouNet ECI cho biết Shopee và TikTok Shop lần lượt chiếm 66,7% và 26,9% thị phần giao dịch (GMV) trong 4 sàn thương mại điện tử bán lẻ đa ngành. Trong khi, Lazada và Tiki đến cuối năm ngoái còn nắm lần lượt 5,5% và 0,9% thị phần.
Metric lý giải hai sàn này lép vế do đối diện thách thức từ nền tảng nội dung, chưa tối ưu trải nghiệm người dùng và khả năng tạo hiệu quả kênh bán. Diễn biến thị trường quý I phản ánh rõ xu hướng dịch chuyển hành vi mua sắm sang các nền tảng giải trí - mua sắm tích hợp của người tiêu dùng Việt Nam.
TikTok Shop tăng trưởng cho thấy người tiêu dùng đang ưu tiên lựa chọn những hình thức mua sắm qua video ngắn. Đồng thời các sàn truyền thống phải chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. "Sự dịch chuyển nhanh chóng của người tiêu dùng sang nền tảng nội dung như TikTok Shop là tín hiệu quan trọng cho các sàn trong việc định hướng phát triển sắp tới", Metric lưu ý.
Dự báo thị trường thương mại điện tử quý II, Metric cho rằng doanh số tăng trưởng khoảng 15% so với quý I, đạt 116.600 tỷ đồng. Vào dịp hè này, người Việt có thể "chốt đơn" 1,112 tỷ sản phẩm, tăng 17% so với 3 tháng đầu năm, nhờ các dịp khuyến mãi giữa năm và xu hướng tiêu dùng trực tuyến ngày càng phổ biến.
Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc kinh doanh cấp cao Kantar Worldpanel Vietnam, xác nhận xu hướng chi tiêu cho kênh online liên tục tăng. Khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường này cho biết đến 2024 có 60% hộ gia đình thành thị có mua hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) qua mạng, so với mức 29% hồi 2019. Tại nông thôn, tỷ lệ này tăng từ 11% vào 2019 lên 42% cùng giai đoạn.
"Tăng trưởng của thương mại điện tử không chỉ ở thành thị mà còn rất nhanh chóng ở khu vực nông thôn. Cùng với sự tăng trưởng của kênh thương mại điện tử và mua sắm online, mức độ khuyến mãi ngày càng tăng", bà Nga nhận định.
Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội từ "miếng bánh" đầy tiềm năng này, các sàn thương mại điện tử lẫn nhà bán hàng sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn nữa. Trước thế đang lên của TikTok Shop, thì Shopee những năm gần đây đã không ngừng chạy đua để bắt kịp xu hướng bán hàng qua video ngắn và livestream.

Các sàn thương mại điện tử đa ngành phổ biến tại Việt Nam. Đồ họa: Viễn Thông
Đến trung tuần tháng 4, sàn này tiếp tục đẩy mạnh bằng việc ra mắt loạt chương trình phát sóng dài kỳ, giới thiệu các sản phẩm nội địa và nông sản đặc trưng vùng miền. "Các nền tảng sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào logistics, livestream và công nghệ cá nhân hóa, giúp gia tăng trải nghiệm mua sắm và thúc đẩy chuyển đổi đơn hàng", Metric dự báo.
Số khác tìm lối đi riêng để tránh cuộc cạnh tranh trực diện. Đầu tháng 3, Sendo thông báo với các nhà bán hàng về lộ trình chuyển đổi sang mô hình chuyên bán nông sản - thực phẩm Sendo Farm và chính thức áp dụng từ 15/4.
Với nhà bán hàng (shop), cuộc chiến đã đến hồi "sinh tồn". Thống kê của Metric cho hay lượng shop có đơn trong quý I đã giảm đến 38.000, trong khi shop doanh số trên 50 tỷ đồng tăng 95%. Điều này cho thấy thị trường ngày càng phân hóa, nơi các nhà bán lớn đang chiếm ưu thế, còn shop nhỏ lẻ dần rút lui.
Các nhà bán hàng nước ngoài cũng ngày càng củng cố hiện diện. Đơn cử trên Shopee, nhóm này chiếm 5,9% thị phần nhưng đang tăng trưởng tốt nhờ lợi thế giá rẻ. Với giá trung bình một sản phẩm chỉ hơn 45.000 đồng, các shop quốc tế bán được hơn 80 triệu sản phẩm, tăng hơn 7% về lượng và 12% về doanh số.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận định thị trường đang ngày càng cạnh tranh và nhiều đối thủ mới gia nhập đường đua livestream. "Các doanh nghiệp nhận ra rằng mình phải nắm chắc chìa khóa là ổn định chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ khách hàng, bên cạnh việc phải quảng bá sản phẩm hay hơn, hấp dẫn hơn để bán được hàng", bà Hạnh nói trong chương trình "Tinh Hoa Việt Chung Sức" mới đây.