Đây là sự kiện thường niên tại Hàn Quốc nhằm truyền cảm hứng cho những người dân thành thị tìm cách nghỉ ngơi sau những căng thẳng, áp lực của cuộc sống với thông điệp "không làm gì cũng có giá trị".

Thí sinh tham dự cuộc thi ngồi chiều 21/5 gồm đủ các lứa tuổi. Ảnh: Korea Times
Cuộc thi ra đời từ ý tưởng của nghệ sĩ Woopsyang năm 2014, sau trải nghiệm cá nhân của cô về việc vượt qua sự kiệt sức bằng cách dành thời gian để không làm gì. Từ 2016, cuộc thi được thành phố tổ chức và trở thành sự kiện chính thức.
Quy mô sự kiện năm nay gồm 70 đội (năm 2022 có 50 đội) được lựa chọn từ hơn 3.000 người đăng ký, mỗi đội bao gồm tối đa ba người. Người tham dự không giới hạn tuổi tác, giới tính với nhiều ngành nghề khác nhau từ kỹ sư, cầu thủ bóng đá, bác sĩ cho đến giáo viên hay lính cứu hỏa.
Trong cuộc thi, các thí sinh phải ngồi bất động với vẻ mặt thẫn thờ trong 90 phút. Những ai nói chuyện, kiểm tra điện thoại, di chuyển hoặc ngủ gật sẽ bị loại.
Mỗi người được phát bốn tấm thẻ có màu sắc khác nhau để sử dụng trong trường hợp cần giúp đỡ: màu xanh để xin nước, màu vàng để yêu cầu quạt mát, màu đỏ để yêu cầu được xoa bóp cho tỉnh táo và màu đen để báo cáo bất kỳ sự bất tiện nào khác. Người chiến thắng được quyết định dựa trên điểm do khán giả bình chọn và điểm kỹ thuật dựa trên sự ổn định của nhịp tim.

Hai thí sinh là vợ chồng cùng nhau tham dự cuộc thi. Ảnh: Korea Times
Ba người chiến thắng sẽ nhận được một chiếc cúp vàng lấy cảm hứng từ tác phẩm điêu khắc "Người suy tư" của Rodin và bảo vật quốc gia của Hàn Quốc, bức tượng "Bồ tát trầm ngâm", vì nghệ sĩ sáng lập Woopsyang tin rằng hai tác phẩm này đại diện cho sự thiền định từ quan điểm của phương Đông và phương Tây.
Cuộc thi cho thấy được sức hút lớn, đặc biệt với những người từ 20-30 tuổi. "Tôi làm việc 6 ngày một tuần và được nghỉ duy nhất ngày chủ nhật. Tôi chỉ muốn gác lại công việc và ngồi lơ đãng", người tham gia tên Kim, 20 tuổi chia sẻ.
Đức Anh (Theo Korea Times)