Năm 1838, nhà văn người Anh Samuel Rowbotham bắt đầu bác bỏ điều mà người Hy Lạp cổ đại cũng như các nhà khoa học hiện đại khẳng định từ lâu: Trái Đất hình cầu. Là người theo chủ nghĩa Trái Đất phẳng từ khi còn trẻ, Rowbotham nhận thấy nơi lý tưởng để kiểm tra điều này là kênh Old Bedford River ở Welney. Kênh nhân tạo này được xây dựng vào đầu thế kỷ 17 để chuyển hướng một phần nước sông Great Ouse ở vùng Fens, Cambridgeshire, Anh. Con kênh chạy hoàn toàn thẳng và không bị cản trở suốt gần 10 km. Điều này khiến nó trở thành địa điểm lý tưởng để đo trực tiếp độ cong của Trái Đất.
"Nước gần như tĩnh - thường là hoàn toàn tĩnh - và xuyên suốt chiều dài, kênh không bị gián đoạn bởi bất cứ loại âu tàu hay cổng ngăn nước nào. Do đó, trên mọi phương diện, nó thích hợp để xác định xem có tồn tại độ lồi hay không", Rowbotham viết trong cuốn sách Zetetic Astronomy.
Rowbotham lội xuống sông và sử dụng kính viễn vọng đặt cách mặt nước 20 cm để quan sát một chiếc thuyền chậm rãi di chuyển ra xa, trên thuyền có một chiếc cọc gắn lá cờ cao khoảng 1 m so với mặt nước. Ông cho biết, con tàu luôn ở trong tầm nhìn của mình suốt 10 km, trong khi nếu mặt nước bị uốn cong, con tàu sẽ biến mất.
Với bằng chứng thực nghiệm này và một danh sách dài các lý lẽ, Rowbotham đã cố gắng áp đặt quan điểm Trái Đất phẳng lên cộng đồng ở Cambridgeshire. Ông công bố những quan sát của mình trong cuốn Zetetic Astronomy vào năm 1849, viết dưới bút danh "Parallax". Rowbotham lập luận rằng Trái Đất phẳng dựa trên những quan sát thường ngày như Trái Đất không lồi khi nhìn từ khinh khí cầu và các ngọn hải đăng được nhìn thấy ở những khoảng cách bất khả thi nếu Trái Đất hình cầu.
Rowbotham sau đó phát triển thêm quan điểm của mình trong cuốn sách Earth Not a Globe. Cuốn sách cho rằng Trái Đất là một chiếc đĩa phẳng có tâm ở Bắc Cực và rìa phía nam được bao bọc bởi một bức tường băng - châu Nam Cực. Rowbotham thậm chí cho rằng Mặt Trời và Mặt Trăng chỉ cách Trái Đất hơn 4.800 km và "vũ trụ" cách Trái Đất khoảng 5.000 km.
Những tuyên bố của Rowbotham không thu hút nhiều sự chú ý cho đến năm 1870, một người ủng hộ giả thuyết Trái Đất phẳng tên là John Hampden cược 500 bảng Anh rằng mình có thể chứng minh Trái Đất phẳng bằng cách lặp lại thí nghiệm của Rowbotham. Nhà tự nhiên học kiêm nhà khảo sát Alfred Russel Wallace chấp nhận đánh cược.
Wallace biết rằng sự thay đổi mật độ trong không khí ngay phía trên mặt nước có thể khiến ánh sáng bị bẻ cong về phía mặt đất, cho phép người quan sát nhìn thấy những vật thể ở bên kia đường chân trời. Để chứng minh độ cong của Trái Đất, Wallace đặt một loạt đĩa lên trên các cột dọc theo kênh nước. Khi nhìn từ một đầu, các đĩa hướng về giữa kênh trông cao hơn một chút so với các đĩa còn lại, đĩa ở đầu xa lại trông thấp hơn một chút. Như vậy, với kiến thức vật lý của mình, ông đã tránh được những sai sót của các thí nghiệm trước đó và thắng cược.
Bất chấp các bằng chứng, Hampden nhất quyết không công nhận màn chứng minh của Wallace. Tuy nhiên, trọng tài John Henry Walsh, biên tập viên của tạp chí thể thao The Field, yêu cầu Hampden trả tiền cược cho đối thủ. Dù tuân thủ thỏa thuận cược, Hampden sau đó không ngừng quấy rối, đe dọa và bôi nhọ Wallace.
Trong khi đó, Rowbotham tiếp tục phát triển những ý tưởng của mình. Ông mất vào năm 1884 nhưng quan điểm Trái Đất phẳng tiếp tục tồn tại. Công việc của ông tại Mỹ được tiếp nối bởi thợ in William Carpenter.
Carpenter xuất bản cuốn sách Theoretical Astronomy Examined and Exposed - Proving the Earth not a Globe (Thiên văn học lý thuyết được kiểm tra và phơi bày - Chứng minh Trái Đất không phải là quả cầu) gồm 8 phần vào năm 1864. Sau đó, Carpenter di cư đến Baltimore và tiếp tục xuất bản cuốn One Hundred Proofs the Earth is Not a Globe (100 bằng chứng cho thấy Trái Đất không phải là quả cầu) vào năm 1885 và viết nhiều điều sai sự thật.
Năm 1904, nhà văn kiêm nhà hoạt động xã hội Anh Elizabeth Blount, lặp lại thí nghiệm Bedford nổi tiếng của Rowbotham với kết quả tương tự. Bà thuê một nhiếp ảnh gia với máy ảnh ống kính tele để chụp tấm vải trắng lớn đặt gần mặt kênh ở vị trí ban đầu của Rowbotham cách đó 10 km.
Sau khi lắp đặt máy ảnh ở độ cao 60 cm so với mặt nước tại Welney, nhiếp ảnh gia vô cùng ngạc nhiên khi chụp được mục tiêu mà ông cho rằng lẽ ra không thể nhìn thấy vì điểm lắp máy ảnh thấp. Như trường hợp của Rowbotham, Blount không tính đến các tác động của khúc xạ khí quyển. Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia đã chú ý đến một ảo ảnh mà ông mô tả là "làn hơi nước mờ ảo trông như nổi trên bề mặt con kênh một cách không đồng đều".
Năm 1956, nhà thuyết giảng Samuel Shenton thành lập Hiệp hội Trái Đất Phẳng. Shenton qua đời năm 1971, nhưng hiệp hội mà ông thành lập vẫn tiếp tục phát triển mạnh, đạt 3.500 thành viên ba thập kỷ sau đó. Sự ra đời của Internet và mức độ phổ biến của mạng xã hội góp phần duy trì sự tăng trưởng. Số lượng người theo chủ nghĩa Trái Đất phẳng ngày nay thậm chí có thể lên tới hàng triệu.
Thu Thảo (Theo Amusing Planet)