Hội thi do Ủy ban nhân dân Quận 9 phối hợp một số đơn vị lần đầu tổ chức, thu hút khán giả ở nhiều lứa tuổi tham dự. Họ chăm chú nghe, lắc lư theo giai điệu và cổ vũ nhiệt tình cho các tiết mục. Những khúc hát được trình diễn gần gũi với người nghe như Đất nước lời ru, Ru con Nam bộ, Còn mãi lời ru..., thêm sinh động nhờ được chuẩn bị kỹ về đạo cụ, nhạc cụ.
Thí sinh Nguyễn Thị Phương cho biết hứng thú với cuộc thi vì yêu các điệu hát ru từ nhỏ. Video: Ngọc Trúc
Nguyễn Minh Huy (sinh viên Đại học Nông Lâm TP HCM) cho biết: "Tôi là người Bến Tre nên rất thích những điệu hát ru Nam bộ. Khi thấy ban tổ chức phát động cuộc thi, tôi đăng ký ngay. Trong hai tuần, đội của tôi tranh thủ những buổi không có lịch học để tập luyện cùng nhau. Tôi mong cuộc thi lan tỏa nét đẹp truyền thống hát ru đến mọi người".

Đội phường Phước Long B giành giải nhất cuộc thi 'Đất nước lời ru' với tiết mục gồm nhiều bài: "Hát ru con", "Hò sông nước: công cha nghĩa mẹ", "Cuộc sống lao động của ngư dân trên dòng sông Mã". Ảnh: Ngọc Trúc.
Bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam - cho biết đây là lần đầu chương trình hát ru được tổ chức quy mô thành cuộc thi, không dừng lại ở việc giao lưu giữa các nghệ nhân như mọi năm. "Không chỉ quảng bá nét đẹp văn hóa, hội thi còn là dịp để các đội giao lưu sau thời gian dài ảnh hưởng bởi Covid-19", bà nói.
Lễ hội Áo dài là sự kiện tôn vinh trang phục truyền thống do Sở Du lịch TP HCM tổ chức, kéo dài từ ngày 11/10 đến 20/11. Ngoài cuộc thi hát ru ở quận 9, nhiều hoạt động hưởng ứng sự kiện như cuộc thi video trực tuyến Tôi yêu Áo dài Việt Nam, hội thảo chuyên đề Áo dài - Di sản văn hóa...
Ngọc Yến - Ngọc Trúc