Đây là vụ án lớn, quá trình thi hành án phần dân sự rất phức tạp và khó khăn. Về phía doanh nghiệp, Epco còn phải thi hành phần án tới 2,85 triệu USD, Minh Phụng phải thi hành 99,71 tỷ đồng và 11,41 triệu USD. Hiện nay, Công ty Minh Phụng đang làm thủ tục phá sản vì không có khả năng thanh toán. Một số cơ quan nhà nước như UBND quận 3 TP HCM phải thi hành án với số tiền 2,54 tỷ đồng, Quận ủy quận 3 phải thi hành 2,7 tỷ đồng... nhưng chưa thi hành được khoản nào, việc cưỡng chế cũng khó khăn bởi đây là cơ quan Đảng, Nhà nước. Về cá nhân, Tăng Minh Phụng còn phải thi hành trên 104 tỷ đồng và hơn 3,6 triệu USD, Phạm Nhật Hồng còn phải thi hành án trên 1,5 tỷ đồng, Liên Khui Thìn còn trên 260 triệu đồng... Qua xác minh sơ bộ về số tài sản trên thì người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành. Một khó khăn nữa là việc giao dây chuyền thiết bị máy may theo bản án tuyên. Nếu giao toàn bộ hơn 2.000 thiết bị may thì sẽ ảnh hưởng tới đời sống hơn 1.000 công nhân, vì số thiết bị này đang tiếp tục vận hành. Đặc biệt, một số tài sản phải giao nhưng đang phát sinh tranh chấp. Phần đất phải thi hành án nay đã bị lấn chiếm, không còn như ban đầu. Có trường hợp bản án tuyên thi hành 80.000 m2 đất, nhưng trên thực tế chỉ bàn giao được 70.000 m2. Có trường hợp nhà đất trước đây Minh Phụng chưa thanh toán hết tiền chuyển nhượng, bên chuyển nhượng vẫn đang ở không chịu đi, như nhà 130/1 Hạ Long. Hay một số diện tích đất chưa xác định được cột mốc để giao, khoảng 1,4 triệu m2 thuộc khu vực phường 10, 11...
- Như thế, vướng mắc chủ yếu vẫn là về mặt thủ tục pháp lý, thưa ông?
- Đúng vậy, về mặt pháp lý, vướng mắc nhất là trình tự, thủ tục giải quyết vì có những cái vượt thẩm quyền của thi hành án. Nếu theo bản án thì cơ quan thi hành án chỉ giao các tài sản cho các cơ quan, ngân hàng để giải quyết hoặc phát mại. Với những tài sản có thủ tục hồ sơ chưa đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ thì cơ quan thi hành án giao, ngân hàng có nhận không? Nếu nhận thì ngân hàng xử lý như thế nào? Các ngân hàng có quyền bán đấu giá tài sản không hay phải đưa sang trung tâm bán đấu giá? Có những tài sản mà khi xét xử, tòa đã ấn định một mức giá cụ thể, đến thời điểm bán thì giá lại thấp hơn thì giải quyết ra sao?
Trong cuộc họp ngày 10/7 tại TP HCM, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc rất quan tâm và giao cho các cơ quan thi hành án địa phương như TP HCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống kê cụ thể số tài sản đã bàn giao được cho ngân hàng, tính đến thời điểm 10/7. Còn các tài sản có vướng mắc thì phải thống kê, phối hợp cùng các ngân hàng (nơi được nhận tài sản) để thống nhất báo cáo Bộ Tư pháp. Bộ trưởng cũng giao cho Cục Quản lý thi hành án dân sự, các vụ chuyên môn của Bộ nghiên cứu kỹ hơn để giải thích thế nào là trùng thế chấp, thế nào là phát mại; làm việc với các cơ quan chức năng như Tổng cục Địa chính... để có hướng xử lý.
- Vậy nếu vướng mắc mà “đụng” luật thì sẽ có đặc cách, hay phải sửa luật?
- Đây là vấn đề rất thú vị mà hội nghị tại TP HCM đã có ý kiến nêu lên, thậm chí một giám đốc sở tư pháp còn đề nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đặc cách trong trường hợp này hay chờ đợi làm chung với các vụ án khác? Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề lớn, Bộ Tư pháp cần có thời gian xin ý kiến, còn Thủ tướng quyết thế nào là do thực trạng khó khăn và theo thuyết trình, đề xuất của các cơ quan hữu quan. Cục Quản lý thi hành án dân sự chúng tôi đang tích cực chuẩn bị ý kiến riêng của mình.
(Theo Pháp Luật)
Theo dòng sự kiện:
Mới thu được 78 trong số 4.600 tỷ đồng từ vụ Minh Phụng - Epco (17/6)
Tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng đang bị "phơi sương" (7/4)