Trường ĐH Văn Lang phối hợp với các sở, ngành và một số huyện của tỉnh Bình Định triển khai đề tài nghiên cứu trong gần một năm qua. Nhóm tập trung đánh giá thực trạng chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh thông qua khảo sát, điều tra thông tin qua đó phân tích và đánh giá chất lượng môi trường xung quanh các hộ. Đồng thời, nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp giảm thiểu nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi heo.
Một số hộ chăn nuôi heo quy mô nhỏ được lựa chọn thực hiện thí điểm các mô hình xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học đơn giản (hầm biogas kết hợp phương pháp lắng); xử lý bằng công nghệ sinh học (kỵ khí, hiếu khí) kết hợp ủ phân hữu cơ (compost); xử lý bằng công nghệ wetland và bằng công nghệ lọc sinh học tuần hoàn.
Gia đình ông Nguyễn Văn Bình, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, là một trong những hộ dân được chọn thí điểm. Gia đình ông nuôi 100-150 con gồm heo nái và heo thịt, sử dụng mô hình xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học đơn giản. Phương pháp này thực hiện việc tách cặn chất thải thông qua hệ thống bể lắng kết với hầm biogas. Ngoài ra, nước và chất thải sẽ qua hệ thống máy bơm lọc sinh học, bơm hồ thu, máy thổi khí. Chất thải sau khi tách nước được ủ làm phân vi sinh để bón cho cây trồng. Ông Bình cho biết mô hình giúp loại bỏ gần như hoàn toàn mùi hôi từ chăn nuôi. Nước thải sau khi xử lý cũng không còn ô nhiễm như trước nên không ảnh hưởng đến các hộ dân lân cận.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Kỳ cùng xã với ông Bình được chọn thí điểm mô hình xử lý bằng công nghệ wetland. Mô hình này tương tự phương pháp sinh học đơn giản, chỉ khác ở việc nước thải sau khi qua các công đoạn xử lý được cho vào hệ thống bạt nylon để trồng cây thủy canh như môn, bèo, rau muống... làm thức ăn bổ sung cho heo. Áp dụng từ đầu năm 2023, mô hình giúp ông Ký loại bỏ mùi hôi dù trong chuồng có đến hơn 100 con heo.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thúy Lan Chi, Trường ĐH Văn Lang, Chủ nhiệm đề tài, chuồng trại chăn nuôi ở nông hộ với quy mô nhỏ từ 50-100 con chủ yếu là loại đơn giản, chưa đầu tư đúng mức, gây khó khăn cho công tác vệ sinh, xử lý chất thải. Mặt khác, tỷ lệ cơ sở chăn nuôi có khu xử lý chất thải còn thấp, với phương thức thô sơ, chủ yếu là ủ phân tươi và phân lỏng bằng hầm biogas. Những thông số ô nhiễm sau các công đoạn xử lý có giảm, nhưng vẫn cao hơn so với tiêu chuẩn xả thải, ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Nhóm nghiên cứu kỳ vọng các giải pháp có thể giúp các hộ nắm được biện pháp giảm ô nhiễm, đảm bảo chất thải được kiểm soát và giảm thiểu tại nguồn, mang lại lợi ích kinh tế.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết các biện pháp có tính khả thi cao, được ưu tiên áp dụng tại các hộ hiện nay là tách phân khô, thay thế máng ăn, vòi uống; dùng vòi phun nước áp lực cao để rửa chuồng; tách riêng nước tắm giải nhiệt, nước rửa khu vực khử trùng không lẫn chất thải. Ông Cường cho rằng các giải pháp này cần thiết và mang lại lợi ích lớn cho người chăn nuôi, môi trường và sức khỏe cộng đồng do mùi hôi được loại bỏ, nước thải cũng đạt chuẩn cho phép sau khi qua xử lý.
(Nguồn: Tỉnh Bình Định)