Phó giáo sư, tiến sĩ Dương Thị Hồng, Trưởng văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Phó viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết dự kiến triển khai thí điểm ở 5-6 tỉnh, thành, gồm 2-3 tỉnh ở miền bắc, một tỉnh ở miền nam, một tỉnh ở miền trung và một tỉnh ở Tây Nguyên. Hiện chưa có tên tỉnh, thành cụ thể sẽ triển khai thí điểm.
Trẻ được kiểm tra gồm 2 nhóm: từ 3 tuổi và bắt đầu đi mẫu giáo, từ 6 tuổi và bắt đầu học tiểu học. Cán bộ sẽ kiểm tra phiếu tiêm của trẻ và thông tin lưu tại hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia. Nếu gia đình bị mất phiếu tiêm, có thể kiểm tra tại trạm y tế nơi trẻ tiêm chủng. Nếu trẻ tiêm chưa đủ liều, sẽ được tổ chức tiêm bù ở chính trường học hoặc trạm y tế xã.
Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, cho biết tỷ lệ phủ tiêm chủng trong năm 2020 và các năm trước xấp xỉ 95%. Như vậy, số lượng trẻ còn sót liều tiêm không cao.
Văn phòng Tiêm chủng mở rộng đang báo cáo Bộ Y tế để triển khai chương trình rà soát ngay trong năm 2021.
Đây là cách làm tiết kiệm và hiệu quả, đánh trúng nhóm trẻ chưa tiêm đủ liều vaccine phòng bệnh. Như vậy, trẻ được bảo vệ, giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh đồng thời giảm số lượng các chiến dịch tiêm bù, tiêm vét gây tốn kém nhân lực, vật lực. Thông qua rà soát, tuyên truyền, các gia đình hiểu về sự cần thiết của tiêm đủ liều, tiêm nhắc vaccine, từ đó hình thành nề nếp đưa trẻ đi tiêm đủ liều, đúng lịch.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng được thực hiện tại Việt Nam từ năm 1981, giúp trẻ em trên toàn quốc được tiếp cận 11 vaccine phòng các bệnh lao, sởi, rubella, tả, uốn ván, bạch hầu... Từ đó, chương trình giúp giảm gánh nặng bệnh tật và góp phần thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ví dụ bại liệt.
Chi Lê