Theo dự án do Viện nghiên cứu Y - Xã hội, Văn phòng Phòng chống tác hại thuốc lá đang triển khai, trong năm 2014-2018 tại 28 xã phường của quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) và huyện Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), các cán bộ y tế sẽ được đào tạo thêm về tư vấn tác hại cũng như cách cai nghiện thuốc lá. Khi khám, cán bộ y tế sẽ hỏi thêm về tiền sử hút thuốc của người bệnh. Những người có nhu cầu cai nghiện sẽ được giới thiệu tới cán bộ y tế thôn bản để tư vấn, hỗ trợ.
Tại Việt Nam, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá là gần 48%. Ngành y tế đặt mục tiêu mỗi năm giảm 7-8%. Tuy nhiên, những dịch vụ hỗ trợ cai nghiện cho người hút thuốc vẫn còn hạn chế, cán bộ y tế chưa được đào tạo về chuyên sâu... Vì thế, các chuyên gia hy vọng dự án sẽ cung cấp một mô hình hiệu quả trong việc hỗ trợ người muốn từ bỏ thuốc lá và có thể áp dụng trên diện rộng.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tình trạng đột quỵ, tăng huyết áp đang có xu hướng trẻ hóa, nguyên nhân một phần do thuốc lá. Với dân số khoảng 90 triệu người, Việt Nam là nước có số người hút thuốc lá cao thứ hai tại Đông Nam Á.
Mỗi điếu thuốc chứa hơn 7.000 chất hóa học trong đó 70 là chất gây ung thư. Thuốc lá gây ra hơn 20 bệnh khác nhau, phần lớn gây tử vong hoặc tàn phế.
Các chuyên gia dự báo, nếu tỷ lệ hút thuốc lá không thay đổi trong 10 năm nữa, hậu quả từ hút thuốc lá sẽ chiếm 25% nguyên nhân gây tử vong của nam giới tại Việt Nam. Hiện nay, 2/3 số người hút thuốc ở Việt Nam được hỏi đang cân nhắc cai thuốc lá và hàng năm hơn một nửa số người hút thuốc đang cố gắng cai.
Nam Phương