Tại Hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao” vừa được báo Nhân dân chủ trì tổ chức, ông Nguyết Viết Mạnh, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ lựa chọn 20 mô hình doanh nghiệp liên kết với nông dân để cho vay thí điểm. Ví dụ như mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Các sản phẩm được lựa chọn thí điểm tín dụng này là các nông sản chủ lực là lúa gạo, tôm, cá tra, chăn nuôi, sản xuất rau màu.
Tham luận của các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng thực tiễn sản xuất thời gian qua đã xuất hiện một số mô hình sản xuất theo hướng quy mô lớn, tăng cường tính liên kết và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Nghệ An, Lâm Đồng… và bước đầu đã được thực tế kiểm nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay những bất cập về đất đai, thuế, tín dụng là những nguyên nhân trực tiếp hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Chương trình tín dụng lần này do Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai. Sau khi kết thúc chương trình thí điểm, khoảng 2 năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng kết và xem xét để hoàn thiện chính sách và nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Theo Vụ Tín dụng, Chương trình thí điểm cho vay hỗ trợ của ngành ngân hàng trong mô hình liên kết này hướng vào 2 nội dung. Thứ nhất là giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm sản xuất liên kết, thông qua việc cho vay lãi suất thấp hơn thị trường. Việc cho vay cũng tháo gỡ vướng mắc về tài sản đảm bảo theo hướng sẽ cho vay tín chấp, nếu nông dân và doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết có cơ sở pháp lý và ngân hàng kiểm soát được dòng tiền tham gia vào quá trình liên kêt.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2013, dư nợ tín dụng cho tam nông lên đến gần 672.000 tỷ đồng, tăng 19,7% so cuối năm 2012, tăng gần 2,5 lần so năm 2009.
Ngọc Tuyên