Chiều 3/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp báo, trả lời nhiều câu hỏi về cơ chế, chính sách thí điểm để phát triển TP HCM; xử lý sau thanh tra vụ "biệt phủ" ở Yên Bái...
Theo ông Mai Tiến Dũng, cơ chế và chính sách thí điểm phát triển TP HCM là vấn đề được dư luận quan tâm, việc ban hành Nghị quyết về nội dung này "rất cần thiết", vì TPHCM có vị trí quan trọng, đóng góp ngân sách chung của cả nước từ 25-26%.
Trên cơ sở đề xuất của TP HCM, tại phiên họp lần này, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã thảo luận về 4 nhóm vấn đề thí điểm cho "đầu tàu kinh tế" này, liên quan đến quản lý quy hoạch đô thị, đất đai; cơ chế đầu tư, tài chính; thu nhập của cán bộ, công nhân, viên chức thành phố...
"Để tạo cơ chế, chính sách đột phá phát triển cho TP HCM, các quy định pháp luật liên quan có thể chưa phù hợp với thực tiễn, hoặc một số quy định cần thiết thì lại chưa có, vì vậy cấp có thẩm quyền mới đặt ra nguyên tắc ở đây là thí điểm", ông Dũng nói.
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, các nhóm cơ chế, chính sách thí điểm đều là vấn đề lớn và được thực hiện theo phương châm tạo cho thành phố tính chủ động trong điều hành, giải quyết công việc hàng ngày trên địa bàn, thay vì phải báo cáo các bộ, báo cáo lên Thủ tướng.
"Việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn sẽ tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh, linh hoạt", ông khẳng định.
Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết nêu trên tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, và tại đây nội dung cụ thể sẽ được thông tin rộng rãi.
"Yên Bái đã khẩn trương thực hiện kết luận thanh tra"
Tại cuộc họp báo, phóng viên nêu câu hỏi liên quan đến việc thanh tra tài sản của gia đình ông Phạm Sỹ Quý - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái, và xử lý của UBND tỉnh này sau kết luận thanh tra.
Nội dung trả lời của Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam không đi thẳng vào câu hỏi, ông chỉ cho biết, cơ quan thanh tra "ghi nhận bước đầu UBND tỉnh Yên Bái đã khẩn trương tổ chức thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hoà Bình".
Về tiến độ xử lý, ông Lam nói, UBND tỉnh Yên Bái phải báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30/11. Trên cơ sở báo cáo của tỉnh Yên Bái, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm tra, đánh giá cụ thể.
Theo ông Lam, dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có quy định về nguồn gốc tài sản của cán bộ, công chức sẽ được trình Quốc hội, và qua đó điều chỉnh chung các vấn đề liên quan chứ không riêng vụ việc tương tự ở Yên Bái.
Trước đó chiều 23/10, Thanh tra Chính phủ ra thông báo kết luận ông Phạm Sỹ Quý để vợ là bà Hoàng Thị Huệ chuyển nhượng hơn chục nghìn mét vuông đất. Thời gian này, ông Quý đã là Phó giám đốc Sở Tài nguyên, sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở, nên việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của vợ ông Quý liên quan phạm vi, lĩnh vực ông Quý quản lý trực tiếp.
“Ông Quý đã vi phạm quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, vì theo Luật này thì ông không được để vợ kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp”, Thanh tra Chính phủ kết luận.
Ngoài ra, trong 3 năm 2014-2016, ông Quý đã không thực hiện đúng quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập cá nhân. Cụ thể ông không kê khai 9 tỷ đồng và 60 cây vàng vay ngân hàng, bạn bè; kê khai thiếu gần 8.000 m2 đất ở, 27.500 m2 đất nông nghiệp do vợ đứng tên; không kê khai một nhà diện tích xây dựng 600 m2 tại tổ 51, phường Minh Tân, TP Yên Bái đang xây dựng.
Ngày 27/10, lãnh đạo Yên Bái đã kỷ luật cảnh cáo ông Phạm Sỹ Quý, cho thôi Giám đốc Sở Tài nguyên và điều động ông này đảm nhiệm chức Phó văn phòng HĐND tỉnh.
Nghiên cứu hợp nhất một số Bộ, ngành
Vấn đề sáp nhập Bộ, ngành cũng được báo chí đặt ra khi mới đây trên nghị trường có ý kiến đại biểu đề nghị hợp nhất một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.
Theo Thứ trưởng Nội vụ Triệu Văn Cường, nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 "một số vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả", đã nêu rõ việc nghiên cứu thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, có nhắc đến các ngành: Giao thông, tài chính, kế hoạch và đầu tư, tôn giáo, dân tộc...
Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương, trong đó có nội dung làm ngay, có vấn đề cần nghiên cứu làm thí điểm hoặc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 13 của Đảng.
"Dư luận bức xúc việc hàng Việt gắn mác ngoại"
Cũng tại cuộc họp báo, ông Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã lưu ý, cuối năm các Bộ, ngành phải đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng; đấu tranh ngăn chặn tình trạng hàng hoá sản xuất ngoài nước lấy nhãn mác trong nước.
"Điều này đã gây ảnh hưởng không tốt, gây thiệt hại lớn tới sản xuất trong nước, ảnh hưởng tới niềm tin người tiêu dùng", ông Mai Tiến Dũng nói.
Theo ông, dư luận vừa qua bức xúc việc hàng Việt gắn mác ngoại bán trên thị trường.
Cùng ngày, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Khaisilk trong kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm.
Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan vào cuộc, báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 15/12/2017.
Khủng hoảng của Khaisilk bắt đầu cách đây một tuần khi trên trang Facebook cá nhân Đặng Như Quỳnh đã phản ánh sự việc mua phải khăn lụa Khaisilk có gắn mác “Made in China”. Theo anh Quỳnh, ngày 17/10, Công ty của gia đình anh đã đặt mua 60 chiếc khăn lụa với giá 644.000 đồng mỗi chiếc tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hà Nội) với tổng giá trị đơn hàng là 38.640.000 đồng.
Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, công ty phát hiện trong lô hàng có một chiếc khăn vừa có mác “KHAISILK - Made in Vietnam”, vừa có mác “Made in China”. Công ty cho kiểm tra toàn bộ lô hàng và phát hiện trong số còn lại có nhiều khăn có dấu hiệu cắt mác tại viền khăn.
Trước sự việc trên, ông Hoàng Khải - Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk sau đó đã thừa nhận với truyền thông "bán 50% lụa 'Made in China' trong hệ thống của mình" và gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng.
Hoài Thu - Hoàng Thuỳ - Võ Hải
Xem diễn biến chính