Gần đây, chị Chi ở phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội vò đầu bứt tai, nghĩ ngược xuôi cách thuyết phục con gái rượu từ bỏ ý định săn học bổng du học. Chị chỉ muốn "cô công chúa" của nhà cứ theo con đường bố mẹ sắp sẵn: chọn một trường đại học trong nước, ra trường, xin việc làm rồi kết hôn. Chị Chi tâm sự: "Gia đình tôi có mỗi đứa con gái nên cưng chiều cháu hết mực. Dù điều kiện đủ lo cho cháu đi du học nhưng tôi không muốn con vất vả. Hơn nữa nơi đất khách quê người lỡ con gặp chuyện gì thì biết bấu víu vào ai, ở gần bố mẹ còn chưa quán xuyến hết nữa là đi xa".
Khác với suy tính của mẹ, Ngọc Diệp lại cho rằng tuổi trẻ cần sống theo đam mê. Từ nhỏ, cô bé cá tính đã thích khám phá những vùng đất mới nên với Diệp việc đi du học mang lại cho em những trải nghiệm thú vị để được trưởng thành, tăng sự hiểu biết, tính độc lập. Bố mẹ càng nhất quyết phản đối chuyện du học, không tài trợ chi phí, Diệp càng quyết tâm thực hiện mục tiêu của mình. Thay vì việc chọn trường nào, ngành nào để thi đại học, Diệp trau dồi tiếng Anh, tham gia nhiều hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ, luôn tìm cơ hội săn học bổng. Diệp nói: "Em nghĩ học mà không theo sở thích thì sau này làm việc cũng cảm thấy chán nản. Do đó, em sẽ thực hiện ước mơ của mình để cảm thấy tuổi trẻ không hối tiếc".
Cùng suy nghĩ với Diệp, Hải Châu, phố Hào Nam, quận Đống Đa, Hà Nội cũng quyết học theo sở thích, mặc bố mẹ đe nẹt. Suốt 12 năm học phổ thông, Châu luôn được đánh giá học sinh xuất sắc của trường chuyên, lớp chọn. Bố mẹ muốn Châu thi ngành tài chính với những lý lẽ rất có cơ sở. Theo đó, nếu chọn học kinh tế thì khi ra trường, Châu chắc chắn có việc làm ngay, thậm chí còn được thừa hưởng những mối quan hệ của bố để phát triển nhưng công nghệ thông tin mới là sở thích, niềm đam mê của em.
Hải Châu chia sẻ: "Ban đầu bố mẹ lặng lẽ nộp hồ sơ dự tuyển Đại học Ngân hàng cho em nhưng em cũng tự nộp ở Đại học FPT. Em cũng nói rõ với bố mẹ dù có đỗ Ngân Hàng em vẫn chọn FPT vì đam mê cá nhân và rất yêu thích môi trường năng động, đổi mới tại đó". Trước khi chọn Đại học FPT, Hải Châu cũng phải cân nhắc rất nhiều. Nhưng khi đến tận nơi, tìm hiểu thông tin qua bạn bè, em thấy quyết định của mình chính xác. Theo Châu, hiện nay, nhiều trường đại học, tỷ lệ chọi khắc nghiệt, nhưng thực tế số sinh viên khi ra trường thất nghiệp khá cao. Trong khi đó, khi theo học Đại học FPT, em được thỏa mãn đam mê công nghệ thông tin. Hơn nữa, cơ hội việc làm trường này rất tốt vì sinh viên đã được đào tạo qua thời gian đi thực tập bắt buộc tại doanh nghiệp 4-8 tháng cộng thêm ngoại ngữ, kỹ năng mềm.
"Những anh chị em quen biết từng học Đại học FPT đều có cơ hội đi Nhật. Sau khi tốt nghiệp. Các anh chị ấy đều dễ dàng tìm được việc làm với mức thu nhập tốt trước cả ngày tốt nghiệp khiến em càng tin vào chính kiến của mình", Châu cho biết thêm.
Không những cãi lời cha mẹ chuyện chọn trường, một số bạn trẻ còn quyết định thử Gap year (năm nghỉ ngơi - thông thường sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học dành cho các hoạt động cộng đồng để bổ sung kinh nghiệm sống) thay vì thi đại học như trường hợp của Thành Trung, quận Tân Bình, TP HCM. Quyết định từ bỏ ngành học không yêu thích của Trung được xem như cú sốc đối với cả gia đình. Trung chia sẻ những ngày tháng khó khăn sau khi phải đối mặt với gia đình, bạn bè: “Bố mẹ em phát hoảng. Mọi người trong gia đình khuyên em không được đã la mắng. Bạn bè của em cũng phản đối, thậm chí một số bạn còn cho rằng em bị hâm khi bỏ lỡ một cơ hội tốt. Bố mẹ em cho rằng hành động nghỉ học của em là điên rồ, là khác người nên em áp lực trong em thời điểm đó khá lớn. Khoảng 2 tuần đầu, đã có những lúc em bị stress do quá căng thẳng”.
Khoảng hơn một tháng sau, thấy Trung có quyết tâm và nghị lực, bố mẹ em cũng dần cũng hiểu. Cái duyên đưa Trung quyết định nghỉ thi đại học một năm là khi tình cờ tham gia một chuyến về miền Tây dạy học cùng Tổ chức thiện nguyện quốc tế YMCA. Được tận mắt chứng kiến cuộc sống miền sông nước bình dị nhưng đầy ắp điều mới mẻ, Trung nhận ra cuộc sống của mình bấy lâu nay quá nhàm chán, đơn điệu bên sách vở. Theo Trung, một năm nghỉ ngơi, làm những điều mình muốn, đi khắp nơi sẽ cho cậu thấy niềm đam mê thật sự là gì để có quyết định đúng hơn về ngành học, tương lai...
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm hỗ trợ giáo dục Thanh thiếu niên Việt Nam (Trung ương hội Khuyến học) cho rằng, các bạn trẻ nên chọn trường và ngành học theo sở thích của bản thân bởi chỉ khi có đam mê, mới có thể "nuốt trôi" quãng thời gian đại học. Sau khi ra trường, công việc đúng sở thích sẽ giúp bạn trẻ dễ phát triển hơn.
Theo ông Lâm, thông thường trong mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái khi chọn trường, sở thích của ai mạnh hơn sẽ chiến thắng. "Nếu sĩ tử xác định rõ đam mê thì sẽ thuyết phục được cha mẹ. Phụ huynh cũng vậy, khi chắc chắn về 'miếng bánh ngon' thì cũng tìm cách hướng dẫn cho con. Vì bản chất, cả 2 phía đều hướng đến lợi ích và tương lai của bạn trẻ", ông Lâm nói.
Song, hiện, mảng hướng nghiệp ở Việt Nam còn khá yếu, đa phần giới trẻ không được trải nghiệm đủ khi chọn nghề mà chỉ là xem qua tivi, nghe người khác nói. Điều này khiến nhiều bạn băn khoăn, mông lung khi định hướng cho tương lai. Ông Lâm cho rằng, việc hướng nghiệp cần thực hiện ngay khi các em còn nhỏ, để mỗi người có đủ thời gian trải nghiệm, chọn trường thiết thực hơn theo năng lực cá nhân, đam mê, bên cạnh nhu cầu xã hội và kinh nghiệm của cha mẹ.
Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phượng cho rằng, ngày nay, ít trường hợp bố mẹ thích trường nào là con sẽ thi trường đó. Nhưng khi các em đỗ 2 - 3 trường cùng lúc thì cả gia đình thường sẽ bàn bạc, phân tích để tìm ra sự đồng thuận cuối cùng, định hướng cho sĩ tử.
Theo bà Phượng, để chọn trường bạn trẻ nên cân nhắc trước hết đến truyền thống gia đình bởi họ sẽ được thừa hưởng một bề dày văn hóa và chuyên môn. Ưu tiên thứ 2 là năng lực, sở trường cá nhân, và thứ 3 là xu thế xã hội. Dù không thể bỏ qua ý kiến của phụ huynh nhưng các bạn trẻ cũng phải phân tích để cha mẹ hiểu, làm gì cũng phải có sở thích, sở trường thì mới phát huy, phát triển được.
Phương Thảo