Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông rồi xét tuyển vào đại học luôn là chủ đề nóng vào mùa hè mỗi năm. Học sinh căng thẳng, phụ huynh lo lắng, cả giáo viên cũng thấp thỏm.
Năm nào chuyện lộ đề, đáp án đúng không, đề thi khó không.. cũng là vấn đề nổi cộm. Năm nay nhiều người nói đề toán rất khó, khó tới độ giáo viên làm còn không kịp, các em học sinh cứ thế đè bài thi trắc nghiệm ra mà "đánh lụi".
Rồi người ta lại thi nhau đăng đàn mà kêu gọi giảm tải học đường. Rất nhiều những lời kêu gọi đã vang lên hàng chục năm qua, nhưng chương trình thi chỉ có nặng thêm chứ không giảm đi. Người ta phê phán văn hóa khoa cử của Việt Nam nhưng cứ tới mùa thi là ai cũng ầm ầm bắt con đi học.
(Xem thêm: Thí sinh vẫn rớt đại học nếu thi được 30 điểm?)
Bởi kỳ thi là cách duy nhất để định đoạt việc học sinh Việt Nam sẽ vào trường nào. Với cách tổ chức trường đại học như Việt Nam thì nó còn quyết định cả việc các em học sinh sẽ theo chuyên ngành gì. Tức là cả tương lai học vấn và việc làm của các em học sinh khi mới bước vào đời đều treo cả trên kỳ thi này.
Mọi cố gắng giảm tải, bớt học thêm, tăng cường giáo dục thể chất, bớt phân biệt môn chính - phụ đều khó đạt được khi một kỳ thi duy nhất lại quyết định tương lai học hành của các em. Toàn bộ cải cách của ngành giáo dục sẽ khó thành công khi chuyện học để làm gì còn chưa được giải quyết. Học sinh học là để có được kiến thức và nghề nghiệp tốt - tức là học để vào được một trường đại học tốt.
Việt Nam không phải là nước duy nhất rơi vào tình trạng này. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đều rơi vào tình trạng một kỳ thi quyết định tất cả. Các nước như Mỹ và châu Âu thì ít gặp hơn. Mỹ chẳng hạn, kỳ thi SAT không lên truyền hình, không nằm trong bản tin, và phụ huynh cũng không phải đăng đàn hỏi cách chăm sóc con khi học lớp 12.
(Xem thêm: Tổng thống Pháp khiển trách cậu bé và chuyện tấm bằng đại học ở Việt Nam)
Học sinh ở Mỹ được xét tuyển vào đại học bằng học bạ, điểm thi, các thành tích khác nhau, luận văn... Hồ sơ xin vào các trường được xét tùy theo mỗi trường. Tất nhiên là các trường danh tiếng thì hồ sơ cũng phải rất đẹp mới vào được. Tuy vậy, ngoài điểm SAT ra thì các chỉ số khác đều khá mơ hồ.
Có một cách vào đại học danh tiếng ở Mỹ mà bảng điểm không cần cực đẹp. Đó là giành học bổng thể thao. Các trường ở Mỹ đều có một đội thể thao trong rất nhiều môn và những học sinh là vận động viên tốt thì có thể xin được một suất học bổng vào trường. Sinh viên vừa đi học vừa thi đấu cho trường. Hệ thống thể thao sinh viên rất cạnh tranh và chất lượng rất cao. Đội tuyển bóng đá Mỹ thậm chí có một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học.
Nhưng Mỹ làm được còn Việt Nam thì không. Ở Việt Nam, việc tuyển chỉ tiêu vào đại học dựa trên học bạ gần như thất bại ngay lập tức. Các bảng điểm bỗng đột nhiên đẹp lên hẳn. Những chỉ tiêu khác thì không biết là trường nào sẽ xét theo kiểu gì? Không ai dám tin tưởng rằng sẽ không có chuyện đi đêm. Toàn bộ cố gắng sẽ phá sản ngay lập tức.
(Xem thêm:Nhiều sinh viên thức đến 1-2h sáng rồi 'ngủ nướng' tận trưa)
Nguyên nhân của việc không thể xét tuyển theo học bạ nằm ở chỗ thiếu minh bạch trong quá trình xét tuyển. Các trường đại học hoàn toàn có thể xem xét các chỉ tiêu phụ - những thứ có thể "mua" được, như là thành tích thể thao, thành tích hoạt động cộng đồng, bài luận văn. Nói cách khác, sự nhũng nhiễu thật ra đã lan truyền vào ngành giáo dục từ lâu.
Ngành giáo dục vì vậy thành nạn nhân của sự nhũng nhiễu ngay từ bên trong. Các kỳ thi căng thẳng mà các em học sinh phải trải qua trở thành cách duy nhất để cho việc vào đại học trở nên công bằng. Mà ngày nào cách duy nhất để vào đại học là một kỳ thi thì việc học và thi bằng mọi giá sẽ còn.
Khi đó mọi cố gắng giảm tải, khuyến khích học sử, nâng cao giáo dục thể chất, kỹ năng mềm,... đều sẽ không thể thành hiện thực. Căn nguyên của một nền giáo dục quá tải kiến thức lý thuyết và khiếm khuyết mọi thứ khác nằm ở một chỗ duy nhất: làm sao để có thể đánh giá học sinh mà không phải dùng duy nhất một kỳ thi?
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.