Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa cấp phép cho Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất nhận chìm gần 15,4 triệu m3 vật chất nạo vét xuống vùng biển Dung Quất. Đây là chất bùn thải phát sinh trong quá trình nạo vét khu vực cảng, luồng tàu ra vào cảng, khu bến cảng thuộc dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
"Chất bùn thải được nhận chìm phải có thành phần cát chiếm 86,4%, bùn cát 13,6% và không được chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt tiêu chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường", Bộ Tài Nguyên & Môi trường lưu ý.
Quá trình nhận chìm chia làm 2 giai đoạn với khối lượng nhận chìm giai đoạn 1 là 7,69 triệu m3, giai đoạn 2 nhận chìm 7,7 triệu m3. Thép Hòa Phát Dung Quất phải dùng tàu hút bụng xả đáy tự hành loại 7.000 - 35.000 m3 để chuyên chở chất nhận chìm. Các loại phương tiện này phải được gắn thiết bị giám sát hành trình với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Toàn bộ nhật ký hàng hải, nhận chìm phải được ghi chép để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát. Thời gian thực hiện nhận chìm trong 15 tháng, đến hết tháng 5/2020.
Trường hợp quá trình nhận chìm xảy ra sự cố môi trường, tràn dầu, cháy nổ... doanh nghiệp sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan.
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất được Tập đoàn Hòa Phát xây dựng trên cơ sở kế thừa dự án Liên hợp thép Quảng Ngãi Guang Lian đã được đầu tư 10 năm nhưng đình trệ.
Dự án này có tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng với các sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn, sử dụng công nghệ lò cao khép kín... Công suất thiết kế nhà máy 4 triệu tấn thép, phân kỳ làm 2 giai đoạn. Năm 2018 Hòa Phát đã chi khoảng 28.000 tỷ đồng cho dự án này. Giai đoạn 1 của dự án dự kiến sẽ hoạt động trong quý I/2019.
Anh Minh