Tôi không có may mắn như nhiều người trẻ khác thực hiện được đam mê khi tuổi còn xanh. Có lẽ vì vậy, khi chạm được đến ước mơ, tôi không chỉ thấy tự hào mà còn cảm nhận được nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác thất vọng, bất lực khi nhìn tuổi trẻ và ước mơ của mình dần nhuốm màu thời gian.
Ngày xưa, mỗi khi người khác hỏi tôi tài sản quý nhất của tôi là gì, tôi tự hào chỉ vào kệ sách cũ mà bố tôi sưu tầm từ khi ông còn trẻ. Xuất thân từ một gia đình có học, tuổi thơ tôi gắn liền với những trang sách thơm nồng mùi giấy cũ của bố. Tôi lớn lên cùng những tác phẩm kinh điển từ những tác giả trong nước và cả nước ngoài. Khi đó trong tôi đã dần định hình một niềm đam mê với văn học, với ngôn ngữ.
Tôi thần tượng bố lắm. Ông nói được tiếng Anh, tiếng Pháp, thậm chí cả tiếng Trung. Chính vì thế ngay từ khi tôi chập chững những bước chân đầu tiên đến lớp, tôi đã muốn trở thành giáo viên ngoại ngữ. Tôi ý thức được điều đó, cố gắng học thật nghiêm túc. Tôi nhớ như in hình ảnh bố ngồi cạnh tôi, dạy tôi từ tiếng Việt, tiếng Anh đến rèn cho tôi đến từng nét chữ. Ông nghiêm khắc lắm, mỗi lần tôi viết xấu hay làm bài tập sai, ông thường khẽ vào tay tôi đau điếng. Nhưng chính vì vậy mà tôi càng quyết tâm cao hơn, tự nhủ phải học tốt hơn nữa để không bị “ăn đòn”.
Cứ tưởng con đường trở thành nhà giáo của tôi bằng phẳng, tôi không ngờ khi tôi đang học 12, bố tôi đột ngột qua đời, để lại mẹ con tôi một mình. Mẹ tôi vốn ốm yếu, nay gặp thêm cú sốc này cũng không còn đi buôn bán được nữa. Là con trai trưởng trong nhà, tôi nhận ra mình có trách nhiệm lèo lái kinh tế gia đình. Bốn năm học đại học quá dài, cuộc đời không đủ kiên nhẫn để chờ tôi đạt được ước mơ. Ngày các bạn nộp đơn thi đại học là ngày tôi bắt tay vào công việc đầu tiên. Tôi tự nhủ không đi đường này, tôi có thể đi đường khác, không nhất thiết phải học đại học. Tôi bắt đầu nếm mùi cuộc sống từ đó.
Tôi không phí bất kỳ phút giây nào trong cuộc đời của mình. Từ sáng tinh mơ tôi đã bắt đầu giao báo cho khu vực xung quanh nhà. Đến 7 giờ, tôi bắt đầu công việc thứ 2: bán hàng trong siêu thị. Tuy xin được vào chân tính tiền, nhưng khi thiếu người, tôi đều bị cử đi phụ khuân vác hàng hóa. Nhiều khi tan ca cả người mỏi nhừ mà vẫn phải chạy lại lớp học bổ túc tiếng Anh để tiếp tục trau dồi kiến thức, có khi tôi đi dạy kèm, quyết tâm không để quên tiếng Anh. Đồng lương tuy ít ỏi nhưng cũng đủ chi tiêu trong nhà, tuy cũng có đôi lần bị thiếu ăn vì phải lo tiền thuốc men cho mẹ.
Các em tôi cũng ý thức, phụ giúp tôi phần nào bằng cách đi làm thêm sau giờ học. Khi có một ít vốn, anh em tôi mở một quán café nhỏ khi trào lưu tụ họp bạn bè ở café thịnh hành giữa giới trẻ. Những ngày đầu kinh doanh, tôi bị cuốn vào công việc, không còn thời gian chạm vào trang sách. Tuy rất buồn nhưng tôi không còn cách nào khác. May mắn thay, công việc cũng khá thuận lợi, tôi có thời gian hơn để đầu tư cho việc học của mình. Khi ấy tôi chợt nhật ra cuộc sống quay tôi như chong chóng. Không biết tự bao giờ tôi đã để thời gian trôi đi mà không ý thức những năm tháng tuổi trẻ đang đi qua một cách lạnh lùng.
Không để phí thời gian, tôi đăng ký ngay một khóa học tại chức bộ môn Anh văn. Tuy bây giờ đã quá trễ để tôi trở thành thầy giáo, nên tôi chọn hướng đi khác để tôi có thể gắn bó với tiếng Anh. Tôi tìm sách nước ngoài dịch thử sức mình. Sau hơn chục lần điều chỉnh bản thảo, tôi mạnh dạn gửi về nhà xuất bản để xin việc. Nhìn sơ yếu lý lịch của tôi, ngoài 30 mà chưa có tí kinh nghiệm dịch thuật nào, không ít nơi từ chối thẳng thừng, hoặc biệt vô âm tín luôn. Nhưng tôi không bỏ cuộc, kiên trì học thêm tiếng Anh, trau dồi tiếng Việt, tin chắc một ngày nào đó mình sẽ thành công.
Hiện tôi rất hài lòng với cuộc sống của mình. Sau hơn hai năm cần mẫn tìm việc làm, tôi đã có một chân dịch thuật trong một nhà xuất bản. Tuy thu nhập không nhiều, nhưng tôi vô cùng trân trọng những đồng tiền ấy. Vì đó là những đồng tiền tôi kiếm được sau hành trình dài theo đuổi ước mơ. Tôi không có các tác phẩm lớn để tự hào, nhưng mỗi khi ghé nhà sách, thấy các em nhỏ cầm sách tôi dịch đọc chăm chú, tôi cảm thấy hạnh phúc lắm, tự nhủ như vậy là đã đủ.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Nguyễn Duy Khoa