Rất nhiều ứng dụng kiểu này được tạo ra chỉ với mục đích “thuổng” thông tin cá nhân của người dùng. Trong trường hợp tệ nhất, chúng còn có thể lấy được các thông tin từ hồ sơ trong danh sách bạn bè của nạn nhân tùy vào thiết lập bảo mật quyền riêng tư của họ.
Bản thân Facebook đã thiết lập các hạn chế nhất định với việc truy cập dữ liệu cá nhân của người dùng từ ứng dụng, song có vẻ những người làm ra ứng dụng không thực sự (hoặc không muốn) tuân theo các quy định này. Vào tháng 10/2010, người ta đã phát hiện và công bố 10 ứng dụng phổ biến chạy trên mạng xã hội này có hành vi vi phạm các quy định của Facebook đặt ra về quyền riêng tư người dùng. Sau khi sự việc trở nên ầm ĩ, Facebook đã gỡ bỏ một số ứng dụng này song chúng lại sớm tái xuất chỉ sau một khoảng thời gian ngắn.
PrivacyScore (PS) của PrivacyChoice là một plug-in của trình duyệt Chrome cho phép đánh giá việc can thiệp vào thông tin cá nhân của mỗi ứng dụng theo thang điểm từ 1-100 và giúp người dùng có thể tự xác định xem ứng dụng nào “săm soi” dữ liệu nhiều nhất khi họ tham gia Facebook. Kết quả đánh giá của nó có thể được xem trên web, trên Facebook hay thậm chí ngay trên thanh địa chỉ của trình duyệt nếu người dùng nhấn vào biểu tượng PS mỗi khi họ cài bất kỳ một ứng dụng mạng xã hội nào.
Kết qủa đánh giá được chia làm 2 phần điểm bằng nhau. Phần thứ nhất đánh giá dựa trên chính sách riêng tư của bản thân ứng dụng và trang web, xem xét cả các khía cạnh như chia sẻ các dữ liệu thông tin cá nhân có thể nhận diện được, khả năng bảo mật danh tính người dùng từ các nhà cung cấp dịch vụ có nắm giữ các thông tin đó cũng như việc các ứng dụng này có giữ lại dữ liệu cá nhân của người dùng hay không trong trường hợp họ xóa tài khoản mạng xã hội của mình.
Phần thứ 2 đánh giá dựa trên việc theo dõi của các đơn vị thu thập thông tin chuyên nghiệp có liên quan tới ứng dụng. Nó đánh giá các chính sách bảo mật riêng tư của các đơn vị này xem chúng có thuộc về các mạng lưới như Network Advertising Initiative hay Ad Choices hay không. Đồng thời nó cũng xem xét tần suất xuất hiện của các cookie trên các ứng dụng ăn khách.
Đánh giá của PrivacyScore đối với trang yelp.com. Điểm chính sách đạt 25, điểm về các doanh nghiệp theo dõi là 38. Tổng cộng đạt 63 điểm. |
Mặc dù ứng dụng này miễn phí đối với người dùng cuối, song công ty vẫn hy vọng sẽ bán được nó cho các công ty có hoạt động kinh doanh trực tuyến. Những công ty này sẽ trả tiền cho các chuỗi API của PrivacyChoice khi muốn thực sự quan tâm tới vấn đề bảo mật cho các thông tin của người dùng.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là PrivacyScore lại đánh giá dựa trên các chính sách được công bố bởi chính các đơn vị sở hữu ứng dụng hay công ty chuyên thu thập thông tin. Và chúng ta đều biết rằng các doanh nghiệp này đều đã có "tiền sử" vi phạm các quy định của chính họ một cách vô tình hoặc cố ý. PrivacyChoice đang cố gắng để hoàn thiện hơn nữa cơ chế đánh giá dựa trên các thông tin cá nhân bị “rò rỉ” thật sự thông qua ứng dụng, cũng như tìm cách xử lý vấn đề tùy chọn Do Not Track (tùy chọn cho phép người dùng không lưu vết khi lướt web) vì nhiều khi tùy chọn này không làm hiển thị quảng cáo rác song vẫn thu thập thông tin người dùng.
Liệu PrivacyScore có phải là “ngoáo ộp” đối với các ứng dụng Facebook hay không? Câu trả lời là chưa. Plug-in này vẫn chỉ dừng ở mức cảnh báo chứ chưa thực sự cung cấp các số liệu đủ chính xác để làm căn cứ cho người dùng có thể yêu cầu, thậm chí khởi kiện các nhà cung cấp ứng dụng mạng xã hội thích “dòm ngó” thông tin cá nhân của người dùng.