Tên lửa có tên Mapheus5, được phóng ở Thụy Sĩ cuối tháng 6 nhằm kiểm tra phản ứng của các loại vật liệu khác nhau trong điều kiện vô trọng. Trong đoạn video công bố hôm 25/7, các nhà khoa học Đức cho biết, tên lửa đẩy có vận tốc gấp 6,5 lần tốc độ âm thanh, vươn tới không gian chỉ vài giây sau khi phóng.
Khi mới phóng, tên lửa quay vòng, nhưng nhanh chóng ổn định khi cách Trái Đất khoảng 100 km. Trong vòng 6 phút, tên lửa trong điều kiện vô trọng, là khoảng thời gian cho phép các nhà khoa học tiến hành thí nghiệm. Chuyến đi và trở về của tên lửa diễn ra trong 7 phút.
"Sự khác biệt giữa quay vòng và ổn định rất quan trọng. Đó là lý do các tên lửa nghiên cứu khoa học thường được trang bị camera. Nếu tên lửa cứ quay vòng, sẽ tạo ra một trọng lực không mong muốn trong vật thể bay," Ulrich Walter, cựu phi hành gia - giáo sư công nghệ không gian, cho biết.
Theo Washington Post, mặc dù sự kiện này không có gì nổi bật, nhưng điều thú vị nằm ở chính đoạn video. Đây là một trong những cảnh quay hiếm hoi trong số những cuộc thám hiểm vào không gian được ghi lại bằng chất lượng HD (độ nét cao).
Trên thế giới, nhiều quốc gia sử dụng tên lửa là phương tiện nghiên cứu vũ trụ. Đây là phương pháp chi phí thấp hơn nhiều, so với đặt nghiên cứu trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
"Sử dụng tên lửa là cách tương đối dễ dàng để thử nghiệm các đối tượng khác nhau trong điều kiện vô trọng," Walter nói. Washington Post đăng đoạn video lên facebook, thu hút rất nhiều người xem và bình luận.
"Tôi có cảm giác đầu óc quay cuồng như một cái máy giặt," một người có tên Jim Denver bình luận. Một người khác tên Walker hài hước nói: "Nhớ nhắc tôi đừng bao giờ ra ngoài vũ trụ nữa."
Hồng Hạnh