Quảng Nam là tỉnh thứ 3 tại miền Trung sau Đà Nẵng và Quảng Ngãi có chiều hướng gia tăng bệnh này. Toàn tỉnh có 190 ca, trong đó có một bé 25 tháng tuổi ở huyện Điện Bàn tử vong.
![]() |
Chăm sóc trẻ em bị bệnh tay chân miệng tại bệnh viện nhi Quảng Nam. Ảnh: Minh Nhật. |
Các đoàn điều tra dịch bệnh tay chân miệng do Sở Y tế thành lập đang phối hợp với chính quyền địa phương điều tra lấy mẫu, tiến hành xử lý môi trường bằng dung dịch Chloramin B 2% tại nhà bệnh nhi tử vong và 2 trường mẫu giáo ở xã Điện Nam Bắc, Điện Bàn cùng một số địa phương khác đã phát hiện có dịch. Đồng thời, tỉnh đã cấp 665 kg Chloramin B 2% cho các trung tâm y tế, xã, phường trạm y tế trong toàn tỉnh tiến hành can thiệp các biện pháp xử lý môi trường.
Trong khi đó đầu năm học mới nhưng bệnh tay chân miệng đang lan nhanh ở nhiều tỉnh miền Tây. Bạc Liêu vừa có thêm hai trẻ thiệt mạng và Sóc Trăng cũng ghi nhận ca tử vong đầu tiên.
Sáng 9/9, ông Võ Thanh Ngà, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sóc Trăng em bé đầu tiên của tỉnh qua đời vì tay chân miệng chỉ mới dưới một tuổi, ngụ ở xã Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu.
Theo ngành y tế dự phòng Sóc Trăng, hiện toàn tỉnh ghi nhận khoảng 420 ca tay chân miệng, tăng trên 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, trong đó huyện Vĩnh Châu có số ca tay chân miệng nhiều nhất, kế đến là Mỹ Tú, Kế Sách…
Tại Bạc Liêu, những ngày đầu tháng 9 có thêm 2 trẻ tử vong vì tay chân miệng do virus Enterovirus typ EV71 gây ra, nâng số trẻ chết vì bệnh này lên 6. Hiện toàn tỉnh Bạc Liêu có trên 500 ca mắc tay chân miệng.
Số ca mắc tay chân miệng ở Cà Mau được xác định trên 900, làm 3 trẻ thiệt mạng. Hiện cả nước có gần 40 nghìn trường hợp bệnh tay chân miệng, trong số đó có hơn 90 em bé tử vong.
Minh Nhật - Thiên Phước