Được các tổ chức nhân quyền khởi xướng từ 17/6, hiện có hơn 120 nhãn hàng tuyên bố dừng quảng cáo trên Facebook để buộc mạng xã hội này thực hiện các bước đi mạnh mẽ hơn trong việc ngăn chặn sự lan truyền của các thông tin sai lệch.
Đa số các công ty tham gia chiến dịch là thương hiệu nhỏ, trong khi Facebook có tới 8 triệu nhà quảng cáo nên nền tảng này. Tuy nhiên, chiến dịch đang bắt đầu lan rộng và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ khi các hãng lớn tham gia.
Ngày 26/6, Unilever - một trong những hãng chi nhiều tiền nhất thế giới cho quảng cáo - tuyên bố rút các quảng cáo của họ trên Facebook, Instagram và cả Twitter ở Mỹ cho đến hết năm 2020.
Cổ phiếu của Facebook lập tức giảm hơn 7% sau tuyên bố của Unilever.
Unilever, sở hữu các thương hiệu như Dove và Lipton, nhận định: "Việc tiếp tục quảng cáo trên những nền tảng mạng xã hội trong giai đoạn này không mang lại giá trị cho con người và xã hội".
Trung bình mỗi năm, Unilever chi hơn một tỷ USD cho quảng cáo, trong đó có khoảng hơn 40 triệu USD cho Facebook trong năm 2019 theo của hãng phân tích Pathmatics. Hãng cho biết sẽ chuyển dịch quảng cáo sang các nền tảng truyền thông khác.
Cũng trong ngày 26/6, Coca-Cola tuyên bố dừng mọi quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, không chỉ Facebook, ít nhất 30 ngày bắt đầu từ 1/7. Công ty cho biết sẽ dành thời gian để đánh giá lại các chuẩn mực và chính sách quảng cáo, đồng thời mong muốn góp phần thúc đẩy các nền tảng loại bỏ nội dung kích động sự thù địch, bạo lực...
Coca-Cola được ước tính chi 22 triệu USD cho quảng cáo Facebook năm 2019.
Trong khi đó, Honda (Mỹ) cũng khẳng định không quảng cáo trên Facebook và Instagram trong tháng 7 bởi họ "chọn sát cánh với mọi người trong cuộc chiến chống lại sự chia rẽ và phân biệt chủng tộc".
Trước ba tên tuổi lớn này, trong tuần qua, một số thương hiệu nổi tiếng toàn cầu khác cũng đã "tẩy chay" Facebook như Verizon, Eddie Bauer, Patagonia, REI và The North Face. Trong đó, REI được cho là cũng chi tới 22 triệu USD cho quảng cáo Facebook năm ngoái, bằng với Coca-Cola.
"Chúng tôi đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm để giữ cho cộng đồng của mình an toàn và sẽ tiếp tục kết hợp với các chuyên gia bên ngoài để xem xét và cập nhật chính sách", đại diện Facebook trả lời NBC News.
Trong khi đó, đại diện Twitter cho biết họ tôn trọng quyết định của các đối tác và sẽ tiếp tục làm việc với họ để tìm kiếm tiếng nói chung trong giai đoạn này.
Chiến dịch #StopHateForProfit bắt đầu diễn ra từ 17/6, kêu gọi các doanh nghiệp tẩy chay Facebook bằng cách rút quảng cáo trên mạng xã hội này trong tháng 7. Chiến dịch do các tổ chức Color of Change, ADL (Liên đoàn chống phỉ báng) và NAACP (Hiệp hội về Sự tiến bộ của người da màu) khởi xướng với mong muốn Facebook xây dựng một nền tảng an toàn hơn, đưa ra chính sách quyết liệt hơn để ngăn kẻ xấu phát tán thông tin gây thù ghét, bạo lực, phân biệt chủng tộc... thay vì tiếp tục kiếm tiền từ những nội dung gây phẫn nộ.
Facebook đạt doanh thu 69,7 tỷ USD từ quảng cáo trong năm 2019, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Google. Theo các chuyên gia, chiến dịch có thể sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn đến doanh thu của Facebook, nhưng sẽ nâng cao nhận thức và "tạo nên những sự thay đổi thực sự".