Anh bạn là lãnh đạo của một công ty lớn chuyên sản xuất vải thun xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ vừa than với tôi chắc sẽ không còn trụ với nghề bao lâu nữa. 3 ngày nay, anh thậm chí không dám vào cơ quan mà "trốn" trong quán cà phê nghĩ kế ứng phó với chuyện chi phí đầu vào đột ngột thay đổi lớn.
3 công đoạn của sản xuất vải thun gồm: dệt vải từ chỉ thun, nhuộm và hoàn tất. Bình thường, hàng xuất xưởng có giá thành 100.000 đồng, sử dụng khoảng 3,5 kg dầu FO (mazut) và DO (diesel) - tương đương 55.470 đồng. Như vậy, chi phí nhiên liệu chiếm hơn 50% trong giá thành sản phẩm.
Kể từ tối 28/3, giá dầu diesel tăng 350 đồng, mazut đắt thêm 800 đồng, tức điều chỉnh tăng 1,6-4,5% so với trước. Điều này đồng nghĩa với giá thành sản phẩm buộc phải đội lên tương ứng, Hiện tại, công ty này đã giảm tối đa chi phí và không cách nào tiết kiệm hơn nữa. Trong khi đó, vải, quần áo Trung Quốc chiếm ưu thế trên thị trường do giá rẻ, bắt mắt nên doanh nghiệp nội địa đã phải cạnh tranh rất chật vật. Sức mua kém nên hiện nay chỉ cần tăng nhẹ giá bán (dù dưới 1% đi nữa), thị phần tiêu thụ của doanh nghiệp trong nước sẽ càng thu hẹp, hệ lụy kéo theo là số đơn vị đóng cửa ngày càng gia tăng.
![]() |
ThS Lê Tấn Lam Anh. |
Cũng chịu cảnh lệ thuộc nhiều vào xăng dầu là ngành cao su. Các doanh nghiệp phải thuê xe vận chuyển nguyên vật liệu về nơi sản xuất và đưa sản phẩm tới địa bàn tiêu thụ, chưa kể tiêu hao nhiên liệu trong quá trình tạo ra hàng hóa. Thông thường, dầu để đốt lò thường chiếm 30% chi phí sản xuất.
Doanh nghiệp nếu không tăng giá bán buộc phải giảm lợi nhuận để bù đắp vào chi phí phát sinh. Nhưng đây chưa phải giải pháp căn cơ. Theo quy luật thường thấy, giá xăng tăng sẽ hình thành mặt bằng giá mới, khi đó thu nhập thực tế của người lao động giảm xuống. Sau cú sốc tăng giá xăng dầu, doanh nghiệp sẽ đối mặt với chuyện tăng lương để mọi người đủ trang trải chi phí cuộc sống, các nhà cung cấp, đối tác thi nhau báo giá mới bởi bản thân họ cũng chịu áp lực tăng giá đầu vào. Cái lo của doanh nghiệp do vậy không dừng lại ở tìm cách tính toán lại chi phí đầu vào, giá bán sản phẩm, mà còn nghĩ cách ứng phó với "cơn bão giá" quét qua khắp các mặt trận.
Theo tôi, giá xăng dầu tăng đã giáng đòn chí tử vào nhiều doanh nghiệp, nhất là những ngành như: cao su, nhựa, may mặc... Các đơn vị này vốn đã cạnh tranh không lại hàng Trung Quốc ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, nay càng đuối sức hơn trong nỗ lực chinh phục người tiêu dùng hãy chọn hàng của họ với mức giá cao hơn trước.
Qua trao đổi với nhiều doanh nghiệp, các lãnh đạo đều cho rằng họ đã được phía đơn vị vận tải báo giá cước mới và sẽ chính thức áp dụng trong vài ngày tới. Đa phần yêu cầu điều chỉnh chi phí lên 8-9%, đây được xem là mức tăng mạnh nhất trong nhiều năm qua. Phía vận tải thường chỉ "xin" nhích thêm 4-5% nhưng nay do giá xăng tăng gần 6%, dầu đắt thêm 1,6-4,5%, cao hơn hẳn các lần tăng giá trước đó nên mức điều chỉnh lần này tới gần 10%. Nhà xe xin "tăng trừ hao" vì đơn vị bảo trì cũng đòi tăng giá và tài xế bắt đầu than lương không đủ sống...
Chi phí chuyên chở nhích lên, tình hình tài chính ở nhiều doanh nghiệp sản xuất, thương mại trong các lĩnh vực nói chung vốn đang "căng như dây đàn" nhanh chóng hụt hơi. Tăng giá sẽ khó bán được hàng, còn nếu cố chịu đựng giữ giá thì bào mòn lợi nhuận của chính mình, có thể thua lỗ. Phương án nào cũng thực sự làm khó doanh nghiệp. Đáng ngại nhất là sau đợt tăng giá xăng dầu, ông điện lực thường kêu la đòi tăng giá.
Năm qua, nhiều đơn vị không hoàn thành kế hoạch kinh doanh, thậm chí lỗ hàng loạt nên có công ty chỉ lãi vài phần trăm cũng đã vui mừng. Chính vì vậy, lần tăng giá xăng gần 6% này là thách thức lớn với giới làm ăn, trong khi đề xuất xin giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về 20% vẫn còn đang cân nhắc.
Thạc sĩ Lê Tấn Lam Anh tốt nghiệp MBA ở Pháp, có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cao su. Ông hiện là Giám đốc Công ty TNHH Cao Su Trường Thịnh. Ông cũng là chuyên gia phân tích kỹ thuật tài chính, hóa học (hóa màu, hóa cao su, xăng sinh học) và đã tốt nghiệp Cao học hóa học. |
ThS Lê Tấn Lam Anh