Tại Hà Nội, sáng 16/2, Học viện Ngân hàng thông báo kéo dài thời gian học trực tuyến với toàn hộ sinh viên đến hết 28/2. Trong thời gian không học tập trung, trường yêu cầu sinh viên hạn chế di chuyển, nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống Covid-19.
Theo kế hoạch được Học viện Ngân hàng công bố cuối tháng 1, trường triển khai đào tạo trực tuyến trong một tuần 1-7/2, sau đó cho sinh viên nghỉ Tết Nguyên đán và quay lại trường vào 22/2. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trường đã kéo dài kế hoạch học tập theo hình thức này.
Trước đó tối 15/2, Đại học Bách khoa Hà Nội yêu cầu hơn 35.000 sinh viên không di chuyển khỏi nơi cư trú, chuẩn bị học trực tuyến từ 22/2. Trường triển khai hình thức học này với các lớp có học phần lý thuyết hoặc bài tập, thông qua hệ hống MS Teams và dự kiến kéo dài 2 tuần, đến hết 6/3. Giờ dạy trực tuyến tuân thủ theo thời khóa biểu chính khóa như học trên lớp.
Với những học phần đặc thù như lớp thí nghiệm, thực hành, giáo dục thế chất... không thể chuyển sang dạy trực tuyến, Đại học Bách khoa Hà Nội yêu cầu tạm thời chưa tổ chức giảng dạy đến khi có thông báo mới. Riêng với khóa 65, hai tuần thi của học kỳ I dự kiến bắt đầu từ 8/3 có thể tiếp tục lùi muộn hơn.
Việc nghỉ Tết sớm và học online từ 22/2 đã khiến kế hoạch học tập kỳ II, năm học 2020-2021, của Đại học Bách khoa Hà Nội lùi một tuần so với lịch được trường công bố hồi đầu năm. Để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đúng hạn, trường cho phép các hội đồng chấm đồ án, khóa luận tốt nghiệp đại học kỳ 1B có thể họp và chấm online nếu đáp ứng đủ điều kiện đánh giá chính xác, khách quan.
Cùng ngày, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng yêu cầu 11 trường và khoa thành viên dạy, học trực tuyến cho khoảng 40.000 sinh viên từ 17/2, tức ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đến khi có thông báo mới. Các đơn vị căn cứ tình hình thực tế để có giải pháp đảm bảo chất lượng của việc học trực tuyến.
Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ đạo các trường nhắc nhở sinh viên hạn chế tối đa việc di chuyển giữa các địa phương, hạn chế trở lại Hà Nội nếu không có việc thực sự cần thiết.
Nhận định Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Đại học Thương mại cũng triển khai học trực tuyến trên phần mềm TranS trong bốn tuần, từ 22/2 đến 19/3, cho toàn bộ các trình độ, hệ đào tạo. Lịch học trực tuyến vẫn tuân thủ thời khóa biểu học kỳ II, năm học 2020-2021, riêng các học phần Quốc phòng - An ninh được dạy trên phần mềm chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong thời gian học trực tuyến, ký túc xá của Đại học Thương mại không tiếp nhận sinh viên; Phòng Quản lý đào tạo cũng không trực tiếp nhận đơn, trả bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ cho người học. Sinh viên muốn nộp đơn xin xét, hoãn tốt nghiệp hoặc chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cần liên lạc với trường qua email.
Đại học Thương mại yêu cầu giảng viên đến trường để dạy trực tuyến, trừ những người diện F1 đang cách ly tập trung, đồng thời hỗ trợ thầy cô mượn webcam. Với những giảng viên diện F2, F3, Đại học Thương mại cho phép dạy online tại nhà trong thời gian tự cách ly nhưng cần đáp ứng yêu cầu về không gian, các công cụ hỗ trợ.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền triển khai học trực tuyến từ 22/2 đến khi có thông báo mới. Trường yêu cầu các khoa, viện và bộ phận chức năng phối hợp trong việc chuẩn bị điều kiện kỹ thuật để buổi học diễn ra suôn sẻ, đúng tiến độ. Đại học FPT cơ sở Hà Nội cũng yêu cầu sinh viên học trực tuyến trong một tuần 21-28/2.
Một tuần trước, Đại học Ngoại thương đã thông báo toàn bộ sinh viên tại ba cơ sở của trường ở Hà Nội, TP HCM và Quảng Ninh sẽ học trực tuyến từ 22/2 đến 7/3, tức bắt đầu ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 28/1 đến 15/2, Hà Nội ghi nhận 34 ca Covid-19 (trong đó hai ca mới chưa được Bộ Y tế ghi nhận) tập trung ở 8 quận, huyện gồm: Nam Từ Liêm (13 ca), Cầu Giấy (5), Đông Anh (5), Mê Linh (5), Hai Bà Trưng (2), Tây Hồ (2), Đống Đa (1), Ba Đình (1) và một trường hợp liên quan đến Hưng Yên. Thành phố có 1.028 F1, gần 11.000 F2.
Tại TP HCM, sau quyết định của UBND thành phố về việc kéo dài thời gian học sinh, sinh viên thành phố ngừng đến trường đến 28/2 để phòng Covid-19, nhiều đại học, cao đẳng đã thông báo cho sinh viên rời lịch học tập trung.
Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch lùi lịch học tập trung đến cuối tháng 3, trở thành trường đầu tiên có kế hoạch cho sinh viên nghỉ dài nhất sau Tết Nguyên đán. Với lịch học lý thuyết, sinh viên không học tập trung tại giảng đường, được gửi bài giảng số để tự học và được bổ sung học trực tuyến qua hệ thống MS-Teams. Lịch học lý thuyết được điều chỉnh để kết thúc chương trình vào cuối tháng 3, còn Lịch thực hành lâm sàng, thực tập cơ sở, thi cuối kỳ dừng cho đến khi có thông báo mới.
Cùng là trường thuộc UBND TP HCM, Đại học Sài Gòn cũng cho sinh viên dừng các tiết học thực hành, chuyển sang học trực tuyến với các tiết lý thuyết đến hết tháng 2. Sinh viên có lịch thực tập sau ngày 22/2 cũng được chuyển sang đầu tháng 3. Tương tự, Đại học Y dược TP HCM kéo dài thời gian ngừng đến trường tới hết tháng 2, kể cả sinh viên và học viên đi học lâm sàng tại bệnh viện.
Nhiều đại học ở khối tư thục có động thái tương tự khi cho sinh viên chuyển sang học trực tuyến sau kỳ nghỉ Tết đến hết ngày 28/2 như Quốc tế Hồng Bàng, Kinh tế - Tài chính TP HCM, Hoa Sen, Nguyễn Tất Thành. Riêng Đại học Gia Định cho sinh viên học trực tuyến các học phần học lý đến hết ngày 14/3, sinh viên năm cuối thực tập thực hiện theo kế hoạch đã ban hành. Đại học Văn Lang cho sinh viên học trực tuyến trong hai tuần, từ 22/2 đến hết 7/3, Đại học Nha Trang học online từ 22/2 đến 6/3.
TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Đại học Nha Trang, cho rằng sau một năm dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, cả giảng viên và sinh viên đều đã thích ứng. Giảng viên thay vì lên giảng đường với cách dạy truyền thống đã kịp cập nhật, nắm bắt công nghệ dạy học số. Sinh viên cũng thay đổi cách học, chủ động hơn, tăng tính tự học và tự nghiên cứu.
Theo ông Phương, để chủ động dạy và học online trước diễn biến khó lường của Covid-19 trong năm nay, trường đại học cần coi việc ứng dụng công nghệ số là yêu cầu tất yếu trong mô hình tổ chức đào tạo. Ông Phương lấy ví dụ tại Đại học Nha Trang, trường bắt đầu triển khai "Tuần học số" trong mỗi học kỳ nhằm giúp giảng viên và người học cập nhật, trải nghiệm ứng dụng công nghệ số trong giáo dục. Đây cũng được xem là "diễn tập" để chuyển trạng thái học online trước bất cứ diễn biến mới nào của dịch.
"Việc dạy và học trực tuyến cần có sự đồng thuận, ủng hộ và cùng quyết tâm chung từ cấp cao nhất của trường đến giảng viên và người học. Tất cả phải đồng hành thì mới có được mô hình dạy học hiệu quả", ông Phương nói.
Trước đó từ ngày 9/2 (28 Tết), hàng loạt trường đã thông báo chuyển sang dạy học trực tuyến thay việc học tập trung tại trường trước diễn biến phức tạp của Covid-19 như: Đại học Bách khoa, Đại học Quốc tế, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM), Đại học Kinh tế TP HCM...
Từ 28/1 đến nay, TP HCM có 36 ca nhiễm nCoV, đứng thứ ba cả nuớc, chỉ sau Hải Dương và Quảng Ninh. Những ca dương tính này đều xuất phát từ cụm dịch Tân Sơn Nhất hoặc liên quan đến Hải Dương.
Xét trên cả nước, trong 18 ngày 28/1-16/2, Bộ Y tế ghi nhận 638 ca nhiễm cộng đồng, ở 13 tỉnh thành gồm Hải Dương (501), Quảng Ninh (59), TP HCM (36), Hà Nội (34), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Điện Biên (3), Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Giang mỗi nơi 2 ca, Hải Phòng, Hà Giang mỗi nơi một ca.
Hơn 20 địa phương đã cho học sinh ngừng đến trường sau Tết Nguyên đán, chủ động dạy online hoặc xây dựng hình thức phù hợp để đảm bảo kế hoạch năm học 2020-2021.
Thanh Hằng - Mạnh Tùng