![]() |
Dù được gắn biển hạ tải, lưu lượng xe trên cầu Bình Triệu vẫn cao. |
Trên cầu, gần 20 chiếc xe tải nối đuôi nhau bò qua. Giữa trưa, mặt đường đang được thi công khiến không gian ngập trong khói và bụi. Trong dòng xe dày đặc là sự nhốn nháo tranh giành của các loại phương tiện. Các tài xế cố vượt lên, xe tải đậu xen kẽ thành hai, ba hàng. Tiếng máy nổ, khói, bụi và những ổ voi khiến việc lưu thông của xe hai bánh trở nên mạo hiểm. Nhiều học sinh đi xe đạp đã bị xe tải ép vào các ổ voi không thương tiếc...
Tình trạng trên chủ yếu là do xe né trạm thu phí giao thông trên xa lộ Hà Nội gây ra. Ngay sau ngày 5/9 khi việc thu phí ở đây được thực hiện với mục đích thu phí hoàn vốn, tái đầu tư, các phương tiện đã chuyển sang đi tuyến qua cầu Bình Triệu, khiến cầu này đứng trước nguy cơ bị sập. Ngày 19/9, Sở GTCC tạm thời ngăn không cho các phương tiện vận tải trên 16 tấn lưu thông qua cầu Bình Triệu, nhờ vậy lượng xe lưu thông qua cầu này đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, phần lớn các phương tiện lại dồn qua phía cầu Bình Phước, cây cầu vốn yếu hơn và đáng ngại hơn cầu Bình Triệu.
Ông Trương Văn Học - Trưởng trạm thu phí giao thông xa lộ Hà Nội - cho biết, số lượng xe qua trạm thu phí sau khi hạ tải trọng cầu Bình Triệu vẫn tăng không đáng kể (ngày đầu tiên 5/9 thu 22.230 lượt ôtô, nay bình quân khoảng 18.000-19.000 lượt xe). Như vậy, vẫn có khoảng 3.000-4.000 lượt ôtô/ngày tiếp tục "né" trạm.
Làm gì để cứu cầu Bình Triệu, Bình Phước?
Dự án thu phí giao thông xa lộ Hà Nội được lập cách đây hai năm, dự kiến thu bình quân
![]() |
Vắng vẻ Trạm thu phí xa lộ Hà Nội. |
Tuy nhiên, ông Phan Thanh Phong, Công ty Tư vấn Luật Minh, cho biết, mức phí giao thông qua xa lộ Hà Nội hiện nay cao gấp rưỡi so với những nơi khác, phương thức thu không hợp lý (cứ qua trạm là phải trả tiền, bất kể giờ nào, đi lại có trọn tuyến hay không...). Điều này đã biến phí giao thông trở thành gánh nặng đáng kể cho cả chủ phương tiện lẫn doanh nghiệp, nên dù nhiều phiền toái người ta vẫn phải "né". Còn Phó giám đốc phụ trách khối vận tải Sở GTCC Võ Hoàng Tách cho biết: "Do Sở Tài chính Vật giá xây dựng mức phí trên xa lộ Hà Nội chưa có cơ sở thực tế để tính toán toàn diện. Do đó, Sở GTCC sẽ kiến nghị UBND thành phố xem xét lại và điều chỉnh mức phí cũng như cách thu, chỉ một lần cho cả lượt đi và về thay vì hai lần như hiện nay. Được vậy, các chủ phương tiện không cần đi đường vòng, vừa xa vừa mất thời gian, lại dễ bị kẹt xe, tai nạn giao thông hoặc nỗi lo cầu sập".
Theo ông Học, xe tải né trạm thu phí ngoài việc ngại nộp phí còn vì lo ngại cảnh sát giao thông kiểm tra xử lý các xe quá tải. Cũng có ý kiến cho rằng chưa nên thu phí các xe dưới 16 tấn để giảm áp lực giao thông qua cầu Bình Triệu, Bình Phước, ông Học cho biết: "Nếu làm như vậy thì ngân sách sẽ thất thu bình quân khoảng 190-240 triệu đồng/ngày, vì 80% xe qua trạm là xe dưới 16 tấn".
Hôm qua, Cục phó Cục Đường bộ Thiều Đăng Khoa, cũng cho biết, Cục đã đề nghị Sở GTCC TP HCM thực hiện chỉ đạo thanh tra giao thông phối hợp chặt chẽ với cảnh sát điều hành việc lưu thông trên cầu Bình Triệu theo đúng quy định, lực lượng trực gác cắm chốt 24/24h trong ngày. Sở GTCC cần tổ chức lực lượng thường xuyên theo dõi tình trạng cầu, chuẩn bị sẵn sàng biện pháp nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cầu và lập báo cáo gửi về Bộ GTVT. Đối với cầu Bình Phước, đây là cầu nằm trên quốc lộ 1, do Khu quản lý đường bộ 7 đảm trách. Cục cũng đã yêu cầu đơn vị này phải khẩn trương kiểm tra và tổ chức lực lượng điều hành giao thông. Đồng thời phải có biện pháp nhằm phối hợp với Sở GTCC TP HCM đảm bảo an toàn cho cầu cũng như không gây ách tắc giao thông ở thành phố.
(Theo Tuổi Trẻ)