Mỗi khi đường phố Sài Gòn được trang hoàng rực rỡ để chào đón năm mới thì cũng là lúc nỗi nhớ vị Tết quê nhà trong tôi là cồn cào, da diết. Đã 4 năm liền tôi đón Tết ở Sài Gòn. Thật dài. Nhưng chưa đủ để khiến con tim tôi thôi thổn thức khi nghĩ đến quê hương, gia đình.
Quê tôi ở Nghệ An. Khi vừa học xong đại học ở Hà Nội. Tôi quyết định vào miền Nam lập nghiệp. Sài Gòn đón tôi bằng vẻ tráng lệ, náo nhiệt mà vốn dĩ nó có. Và cũng như đa phần nhiều người khác. Tôi cảm thấy yêu mến Sài Gòn một cách vô điều kiện. Ngoài sự hiện đại là một cảm giác thân thương của tình người nồng hậu. Không khó để bắt gặp đâu đó những bình nước miễn phí trên vỉa hè, sự chỉ dẫn nhiệt tình của bác xe ôm khi chẳng may bị lạc đường. Sự tốt bụng của con người khiến lòng người ấm áp hơn. Điều tôi cứ ngỡ như không còn tồn tại trong cuộc sống nữa. Có lúc tôi cứ nghĩ, mình sẽ cứ ở mãi ở thành phố này mà chẳng cần phải đi đâu nữa cả. Ở mãi đây thôi.
Nhưng cuộc đời không có bất cứ sự tuyệt đối nào. Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi qua. Khi cái Tết đầu tiên trên đất phương Nam đến thì con tim tôi bắt đầu xao xuyến. Một cảm giác là lạ chợt ùa về. 4 năm học ở Hà Nội. Có lẽ tôi ít nghĩ về Tết hơn bởi vì tôi vẫn được về với gia đình đón Tết bình thường. Đến giờ, tôi vẫn nhớ cái cảm giác được khoác trên mình chiếc áo ấm. Cùng mấy đứa bạn ngắm đào, quất trên đường Lạc Long Quân hay “lạc” vào chợ hoa Nghi Tàm lúc sáng sớm tinh mơ để tha hồ ngắm cơ man loài hoa khoe sắc. Chừng 25 tháng Chạp thì bắt xe về quê.
Vào Sài Gòn, khoảng cách về địa lý và điều kiện kinh tế khiến cho việc về quê sum họp cùng gia đình trong dịp Tết của tôi giờ đây trở nên khó khăn hơn. Tôi nhớ, khi tôi nhấc điện thoại thông báo không về Tết thì mẹ tôi đã buồn như thế nào. Dù cho tôi không thấy được những giọt nước mắt của mẹ. Tết đến, Sài Gòn lung linh lắm nhưng sao lòng tôi không sao vui nổi. Tôi vẫn đi cùng bạn dạo trên những con đường được trang hoàng lộng lẫy. Cũng thả bước trên “phố ông đồ”, xem chợ hoa Nguyễn Huệ nhưng sao thấy mình lạc lõng quá. Tôi ước sao có một phép màu nào đó có thể đưa tôi về với gia đình, với làng quê yên bình nơi mình được sinh ra và lớn lên. Tôi thèm được ngắm một cành đào phai, được cùng chúng bạn chơi đùa dưới những cơn mưa xuân chẳng bao giờ ướt áo. Những thứ tưởng chừng như hết sức đơn giản. Khi vụt qua rồi mới thật sự tiếc nuối.
Vị Tết quê nhà và niềm vui sum họp gia đình giờ đây cứ hiện ra mồn một trong trí nhớ. Ở quê tôi, cứ khoảng 24 tháng Chạp, khi vừa kết thúc việc đồng áng thì mẹ lại dẫn tôi đi mua lá dong để chuẩn bị gói bánh chưng. Mẹ mua hai bó lá dong lớn. Khi mua về, chị tôi sẽ nhận nhiệm vụ đưa là dong ra con sống đầu làng để rửa thật sạch. Sáng 28 Tết, bố tôi cùng với mấy bác hàng xóm xẻ làm thịt heo. Đó là nguyên liệu chính để mẹ chế biến các món ăn trong ngày Tết. Lúc này, mẹ tôi cũng chuẩn bị ngâm nép, đậu xanh, lạt buộc… để buổi chiều nấu bánh chưng.
Đến tối, chị em chúng tôi lại quay quần bên nồi bánh chưng xanh, bên bếp lửa đỏ rực để mà hít hà hương Tết đã gõ cửa. Được nghe bố mẹ kể cho bao câu chuyện của gia đình. Tôi vẫn nhớ cảm giác sung sướng của em tôi khi được bố đưa cho một chiếc bánh tét nho nhỏ khi nồi bánh đã chín. Đó là chiếc bánh tét không đứa trẻ nào không có trong ngày xuân. Cũng như xúng xính trong bộ quần áo mới được mẹ mua cho, chạy tung tăng trên khắp xóm làng.
Những ngày Tết ở quê tôi trôi qua thật nhanh, với bao nhiêu phong tục truyền thống tốt đẹp đến giờ tôi vẫn nhớ. Đêm giao thừa, gia đình tôi thường làm thịt gà, đồ xôi để cúng gia tiên cầu chúc một năm mới sức khỏe, an khanh thịnh vượng. Rồi sau đó là phong tục mừng tuổi, mừng thọ. Tôi nhớ mình đã vui thế nào khi nhận được chiếc phong bao đỏ chót từ tay bố mẹ mừng tuổi cho. Chị tôi, dù làm công nhân cũng kịp mừng thọ ông bà, bố mẹ. Tất nhiên, số tiền chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Đến ngày mừng một thì có tục xông đất, rồi đi chúc Tết anh em, thầy cô…
Đã 4 năm tôi đón Tết ở Sài Gòn và nỗi nhớ quê luôn da diết như thế. Một mùa xuân nữa lại về. Và năm nay, tôi lại tiếp tục đón một cái Tết ở thành phố mang tên Bác. Sài Gòn giờ đây đẹp hơn nhiều so với lần tôi mới đặt chân đến. Bây giờ, nếu muốn, tôi vẫn có thể chọn cho mình một cành đào phai, hay mua dăm ba món đặc sản ở quê nhà. Nhưng không phải vì thế mà tôi vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Mà luôn thường trực trong tâm trí tôi, một kẻ tha hương.
Dương Đình Hưng
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |