Là hãng sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, và thứ hai thế giới (sau Tesla), BYD có kế hoạch mở rộng thị trường sang lục địa già. Nơi đầu tiên được chọn là Na Uy - quốc gia thân thiện nhất với dòng xe điện.
Tang EV600 là một chiếc SUV cỡ trung, với chiều dài 4.870 mm, rộng 1.950 mm và cao 1.725 mm. Xe chạy điện hoàn toàn, với quãng đường 520 km mỗi lần sạc.
Tại Trung Quốc, Tang EV600 dùng pin 82,8 kWh cung cấp năng lượng cho một hoặc hai động cơ điện (dẫn động cầu trước hoặc bốn bánh), với mỗi động cơ cho công suất 242 mã lực và sức kéo 330 Nm. Với phiên bản dẫn động bốn bánh, tức có hai động cơ điện, xe có công suất 482 mã lực và mô-men xoắn 660 Nm.
Theo BYD, Na Uy sẽ tiếp nhận phiên bản dẫn động bốn bánh. Thông tin chi tiết cũng như mức giá dự kiến công bố tại thời điểm bán ra.
Trước BYD, một hãng xe Trung Quốc khác là Aiways cũng có kế hoạch đặt chân tới châu Âu. Chiếc U5 của Aiways, cũng là một mẫu xe điện, dự kiến bán từ quý II năm nay với mức giá dự kiến dưới 44.000 USD. Xe bán tại thị trường nội địa từ tháng 11/2019 với giá từ 37.000 USD.
Trong khi Aiways mới ba năm tuổi đời, thì BYD là "lão làng". Hãng có nhà máy ở tỉnh Thâm Quyến, nơi cứ khoảng 90 giây lại có một chiếc xe điện lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất.
Vài năm trở lại đây, Trung Quốc có tham vọng trở thành bá chủ thế giới về ôtô điện. Chính phủ cấp đất cho các hãng nhà máy, trợ giá cho người dân. Năm 2017, doanh số xe điện tại Trung Quốc đạt 777.000 chiếc - gấp đôi số phương tiện sử dụng năng lượng mới được bán trên toàn cầu, theo South China Morning Post.
Nhưng mọi thứ không dễ dàng. Công nghệ pin, phạm vi hoạt động, trạm sạc điện, hay chính sách trợ cấp cho người mua đều là trở ngại cho sự phát triển của loại phương tiện này. Lợi thế, theo nhiều chuyên gia, là thế hệ trẻ hiểu biết công nghệ của Trung Quốc. Đây là nguồn động lực để các hãng hoàn thiện các mẫu xe thông minh trong tương lai.
Mỹ Anh (Theo Inside EVs)