Tối 5/12, lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An cho biết một tháng qua, đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp đã khám cho 81 người tại doanh nghiệp này, trong đó có 3 người mắc bệnh bụi phổi silic tái khám, còn 78 trường hợp khám lần đầu.
"Kết quả cho thấy 57 người mắc bệnh bụi phổi, trong đó 19 người thể nặng, 25 trường hợp thể trung bình, số còn lại thể nhẹ. Ngoài ra có 2 người do phim chụp mờ nên chưa xác định được", lãnh đạo Sở Y tế nói, thêm rằng các bệnh nhân đã được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn phương án điều trị cụ thể.
Từ tháng 9/2022 đến nay, 6 công nhân từng có tiền sử làm việc tại doanh nghiệp nói trên đã tử vong. Trong số này có 5 người được xác định mắc bệnh bụi phổi silic, nạn nhân còn lại nghi bị lupus ban đỏ.
Qua rà soát, có 117 người từng làm việc tại doanh nghiệp, song đến nay 36 người vẫn chưa đến khám dù đã được nhà chức trách thông báo. Kết quả phân tích của đoàn liên ngành cho thấy hàm lượng silic tự do trong nguyên liệu và thành phẩm tại công ty này cao trên 99%.
"Bệnh này khó phát hiện, khiến cơ thể người bệnh yếu dần, đến khi tới bệnh viện và tìm ra nguyên nhân thì gần như đã quá muộn. Để phòng ngừa, người lao động làm việc ở những nơi có bụi cần mang đồ bảo hộ, sử dụng khẩu trang, cải thiện môi trường làm việc", lãnh đạo Bệnh viện Phổi Nghệ An nói.
Hiện doanh nghiệp nói trên chưa phản hồi về vụ việc.
Bụi phổi (Pneumoconiosis) là tình trạng bụi bẩn tích tụ trong phổi do hít phải trong nhiều năm và tiến triển thành bệnh. Nguyên nhân chính là người bệnh tiếp xúc với những vật liệu có khả năng phát tán những hạt rất nhỏ xâm nhập vào phổi. Các loại bụi thường gặp nhất là amiăng, bụi than và phổ biến là silic. Bệnh có thể gây triệu chứng ho khan, khạc đờm đen, cảm giác đau nhói ở ngực, tức ngực, khó thở, hụt hơi. Ở giai đoạn đầu, bệnh có thể không có dấu hiệu.
Bụi trong phổi không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Hiện, bệnh bụi phổi chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, mọi người có thể được điều trị kiểm soát triệu chứng và ngăn bệnh tiến triển bằng cách sử dụng thuốc giảm viêm, rửa phế nang toàn bộ hai phổi, thuốc giảm quá trình xơ hóa phổi, thở oxy.