Trong thông cáo hôm 9/9, CEO Big Lots Bruce Thorn cho biết công ty đầu tư cổ phần tư nhân Nexus Capital Management sẽ thâu tóm "gần như toàn bộ" cửa hàng và hoạt động kinh doanh của hãng. Hồ sơ nộp lên tòa án cho biết Big Lots đã đồng ý bán mảng kinh doanh cho Nexus với giá 760 triệu USD. Website và các cửa hàng của họ vẫn hoạt động trong thời gian này.
"Động thái này sẽ giúp chúng tôi tiếp tục tiến lên phía trước. Chúng tôi sẽ tối ưu hóa hoạt động, cải thiện kinh doanh và giữ cam kết cung cấp giá trị tối đa cho khách hàng", Thorn viết.
Hãng bán lẻ này cho biết các yếu tố kinh tế đã đẩy họ đến tình trạng phá sản, gồm lạm phát và lãi suất cao. Việc này khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen mua hàng. Họ tìm kiếm những đồ có ích với mình, nhưng không nhất thiết là hàng giảm giá. Điều này lý giải việc các cửa hàng đồng giá 1 USD gặp khó, trong khi Walmart và Amazon bùng nổ.
"Xu hướng kinh tế hiện tại đặc biệt gây thách thức cho hãng. Do nhóm khách hàng chủ chốt của chúng tôi giảm chi cho sản phẩm không thiết yếu, như đồ dùng trong nhà và sản phẩm theo mùa. Đây là nguồn doanh thu chính của Big Lots", chuỗi này giải thích. Hãng có bán thực phẩm, nhưng chủ yếu bán đồ dùng trong gia đình.
Chuỗi bán lẻ 57 năm tuổi hiện có hơn 1.400 cửa hàng. Họ đóng khoảng 300 cơ sở và số điểm bán ngừng hoạt động có thể tăng "để đảm bảo hiệu quả và tiếp tục phục vụ được khách hàng". Thương vụ với Nexus dự kiến hoàn tất cuối năm nay.
Sau đợt bùng nổ mua sắm hậu đại dịch, các hãng bán lẻ đồ nội thất lớn gần đây chật vật vì lạm phát cao tại Mỹ. Những sản phẩm giá trị lớn, không thiết yếu, nhanh chóng bị loại khỏi danh sách mua sắm của những người nhạy cảm với giá cả. Lạm phát hiện gần 3%, giảm đáng kể so với mức 9% giữa năm 2022, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% mà giới chức nước này đưa ra.
Trước Big Lots, nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ nội thất khác cũng nộp đơn xin bảo hộ phá sản, như Conn’s HomePlus, Z Gallerie và Mitchell Gold + Bob Williams. Hãng kinh doanh đồ nội thất trực tuyến Wayfair phải giảm mạnh nhân sự. Còn LL Flooring tuần trước thông báo dừng hoạt động sau 30 năm vì không tìm được người mua.
Đầu tháng 7, hãng cung cấp dữ liệu S&P Global Intelligence cho biết trong tháng 6, ít nhất 75 công ty nợ từ 2 triệu USD đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ. Đây là con số cao nhất từ năm 2020.
Nửa đầu năm, 346 đơn xin bảo hộ phá sản được nộp, mức cao nhất 13 năm. "Lãi suất cao, các vấn đề về chuỗi cung ứng và chi tiêu tiêu dùng chậm lại tiếp tục đè nặng lên các công ty đang gặp khó khăn", báo cáo giải thích.
Hà Thu (theo CNN, Reuters)