Chiều 10/3, ông Trí và bà Oanh bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố để điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Ông Trí bị bắt tạm giam còn bà Oanh được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Đây là diễn biến mới nhất khi cơ quan điều tra mở rộng vụ án liên quan những sai phạm về thoái vốn tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS). Về cùng tội danh trên, trước đó cơ quan điều tra đã khởi tố ông Chu Tiến Dũng (cựu Tổng giám đốc CNS), Đỗ Văn Ngà (kế toán trưởng CNS), Nguyễn Hoàng Anh (Chủ tịch Hội đồng thành viên CNS) và Lê Viết Ba (Phó phòng Kế toán CNS).
Các sai phạm tại công ty này bị Cục An ninh Kinh tế khởi tố từ hồi tháng 2/2021 do có đơn tố cáo. Hiện, nhà chức trách chưa công bố sai phạm cụ thể song ông Dũng bị cho là có liên quan đến việc thoái vốn CNS tại Công ty cổ phần điện tử Sài Gòn - Sagel và Công ty cổ phần TIE; chuyển nhượng đất trái pháp luật thông qua việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hoa Mai, theo báo Bảo vệ pháp luật (thuộc VKSND Tối cao).
Các sai phạm xảy ra đầu năm 2017, khi CNS bán toàn bộ 51% cổ phần trong Công ty cổ phần điện tử Sài Gòn - Sagel với giá gần 21 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty cổ phần điện tử Sài Gòn - Sagel đang sở hữu nhiều lô đất đắc địa tại TP HCM, trong đó có lô đất tại 119 Phổ Quang (quận Phú Nhuận) có giá trị lên tới hơn 3.000 tỷ đồng.
Tương tự, CNS cũng đã thoái vốn tại Công ty cổ phần TIE, trong khi doanh nghiệp này đang là chủ sở hữu của nhiều lô "đất vàng" nằm tại khu vực trung tâm Sài Gòn.
Các giao dịch trên được cho là gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước. Đầu năm 2019, UBND TP HCM quyết định tạm ngừng giao dịch, chuyển nhượng đối với một số lô đất có nguồn gốc là tài sản của CNS do thoái vốn.
CNS có 13 đơn vị thành viên, 5 nhà máy, hơn 5.000 công nhân viên chức, hoạt động sản xuất kinh doanh trên các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố, bao gồm: Chế biến tinh lương thực - thực phẩm; hóa chất - cao su, nhựa; cơ khí - chế tạo máy...