Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin Air China và China Southern Airlines đã nhận lô máy bay C919 đầu tiên hôm 28/8 tại nhà máy của Tập đoàn Máy bay Thương Mại Trung Quốc (COMAC) ở Phố Đông (Thượng Hải). Phi cơ bàn giao cho Air China có 158 ghế, với 8 ghế hạng thương gia và 150 ghế hạng phổ thông. Cả Air China và China Southern đều được dự báo nhận thêm 2 chiếc C919 nữa năm nay, theo hãng tin Yicai.
C919 bay thương mại từ tháng 5/2023, được vận hành bởi China Eastern. Hãng này hiện sử dụng 7 chiếc để bay nội địa.
C919 là thành quả 14 năm phát triển của Comac, được Trung Quốc cấp chứng nhận cuối tháng 9/2022. Hãng đang nỗ lực phá thế thống trị của Airbus và Boeing trong ngành sản xuất máy bay chở khách toàn cầu. Thời gian qua, ngành hàng không thế giới gặp nhiều vấn đề, khi các hãng thiếu phi cơ, còn Boeing chìm trong cuộc khủng hoảng về an toàn.
COMAC cho biết đến nay, họ đã nhận số đơn đặt hàng hơn 1.000 chiếc C919. Riêng 3 hãng bay quốc doanh lớn của Trung Quốc đã đặt mỗi hãng 100 chiếc. C919 có thể chở tối đa 192 hành khách, cùng phân khúc với Boeing 737 Max và Airbus A320neo.
Năm nay, COMAC cũng tích cực sản xuất và quảng bá sản phẩm ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á và Arab Saudi. Họ cũng đang phát triển máy bay thân rộng.
Tháng trước, Zhongtai Securities dự báo đến năm 2030, COMAC có thể sản xuất 100 máy bay một năm. Đến năm 2035, họ có thể xuất xưởng hơn 1.000 chiếc. Trong khi đó, Airbus năm ngoái bàn giao 735 chiếc.
Dù vậy, Reuters trích các nguồn tin trong ngành cho biết con đường ra quốc tế của COMAC còn rất dài, đặc biệt khi máy bay của họ chưa được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cấp chứng nhận.
Hồi tháng 5, hãng tư vấn hàng không Cirium ước tính đến năm 2042, COMAC có thể bàn giao khoảng 1.700 máy bay C919. Việc này sẽ giúp hãng có thị phần 25% trên toàn cầu, xếp sau Boeing (30%) và Airbus (45%).
Hà Thu (theo Reuters)