Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land vừa công bố thông tin dời ngày đáo hạn 6 lô trái phiếu với tổng mệnh giá 1.600 tỷ đồng. Đây là những lô trái phiếu được phát hành vào năm 2020, trong đó có 5 lô đáo hạn ban đầu vào cuối tháng 8 và một lô vào cuối tháng 10. Sau điều chỉnh, tất cả sẽ đáo hạn vào cuối tháng 11/2024.
Trước khi gia hạn, Tập đoàn Hưng Thịnh và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái nhiều lần công bố thông tin về việc chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu. Lý do chung là thị trường tài chính, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi dẫn đến doanh nghiệp chưa thu xếp kịp nguồn tiền để thanh toán đúng hạn so với kế hoạch.
Thời gian qua, hoạt động đàm phán kéo dài thời gian trả nợ trái phiếu vẫn diễn ra sôi nổi trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu vốn và hoạt động kinh doanh gặp khó. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), hơn 60 tổ chức phát hành thực hiện thành công hoạt động thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu và đã báo cáo lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến ngày 27/10. VNDirect ước tính tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được gia hạn kể trên là khoảng 107.000 tỷ đồng.
Tương ứng, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn cũng chững lại. Báo cáo mới đây của Chứng khoán MB (MBS) thống kê, trong tháng 11, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính hơn 2.000 tỷ đồng, giảm 82% so với tháng trước.
Tuy nhiên hoạt động thỏa thuận gia hạn trái phiếu không phải dễ thực hiện. Do đó, thị trường vẫn có nhiều doanh nghiệp chậm hoặc hoãn thanh toán gốc và lãi. Theo MBS, tính đến ngày 21/11 có khoảng 100 doanh nghiệp thông báo về việc này. Nhóm phân tích ước tính tổng giá trị chậm thanh toán vào khoảng 192.000 tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường. Trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70%.
Tất Đạt