Đó là một trong những điểm mới trong xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (NGND) và Nhà giáo ưu tú (NGƯT), theo nghị định 35 của Chính phủ, ban hành đầu tháng 4. Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/5, thay thế cho các quy định trước đó.
Danh hiệu NGND, NGƯT vẫn được xét tặng và công bố ba năm một lần vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chủ trì soạn thảo, cho biết thực tế ngành giáo dục không chỉ có danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Do đó, Bộ bổ sung chức danh giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách đội vào diện xét NGƯT, NGND. Ngoài ra, Bộ thêm một số tiêu chuẩn để đánh giá khả năng của nhà giáo.
Theo đó, giáo viên được đưa minh chứng về năng lực sư phạm, kỹ năng mềm, khả năng tổ chức các hoạt động chuyên môn hay tính lan tỏa, ảnh hưởng bằng việc biên soạn báo cáo chuyên đề tại hội nghị, hội thảo; chủ trì biên soạn tài liệu bồi dưỡng... Đây là điều chưa được quy định cụ thể trước đây.
Giảng viên đại học vẫn cần hướng dẫn hai nghiên cứu sinh bảo vệ thành công tiến sĩ khi đăng ký xét chức danh NGND, NGƯT như trước. Tuy nhiên, Bộ nhận thấy không phải đại học hay ngành học nào cũng được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ, nhất là các trường tư thục hoặc trường trực thuộc địa phương.
Vì vậy, với các trường đặc thù, tiêu chuẩn này sẽ là hướng dẫn học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú; hoặc hướng dẫn sinh viên đoạt giải sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường; có đề tài nghiên cứu đoạt giải cấp trường trở lên...
"Điều này tạo điều kiện cho các nhà giáo thuộc trường đại học thuộc địa phương, tư thục có cơ hội tham gia", Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu.
Quy định mới cũng quan tâm hơn đến các thầy cô công tác ở biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hoặc trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Nhóm này được nhân hệ số 2 khi tính thời gian công tác. Ví dụ, giáo viên bình thường cần có thời gian dạy trực tiếp từ 20 năm trở lên để xét danh hiệu NGND thì nhóm này chỉ cần 10 năm.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều này cũng xuất phát từ thực tế bởi qua 16 lần xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT, rất ít nhà giáo thuộc nhóm trên được xét tặng. Trong gần 10 năm qua, chỉ có hai cán bộ quản lý ở khu vực này nhận danh hiệu NGƯT, chưa giáo viên nào trực tiếp giảng dạy nào được phong tặng.
"Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục vùng khó khăn; đồng thời tạo động lực để các nhà giáo phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao, góp phần đưa giáo dục vùng khó khăn chuyển biến tích cực", Bộ nêu.
Quy định mới về xét danh hiệu NGND, NGƯT cũng nêu rõ hơn cách tính thời gian, rút ngắn quy trình xét tặng so với trước đây.
Năm 2023, hơn 1.000 nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGƯT, còn danh sách NGND chưa được công bố.