Phát biểu tại cuộc họp triển khai giải pháp mở rộng tín dụng tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết sắp tới hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng, đẩy mạnh tài chính tiêu dùng, tài chính vi mô, cởi mở hơn về chính sách cho vay để tạo động lực đẩy lùi tín dụng đen trong nền kinh tế.
Cho vay tiêu dùng trong thời gian qua có mức tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng trưởng trung bình trong 5 năm qua đã đạt 38%, trong đó, có năm lên cao nhất đạt tới mức tăng 63,8%.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, những con số này cho thấy không chỉ sản xuất kinh doanh mà nhu cầu vốn cho tiêu dùng cũng rất cao. Điều này, đồng thời, cũng phản ảnh sự phát triển khách quan của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, đi cùng với sự gia tăng nhu cầu các khoản vay tiêu dùng cũng chính là sự bùng nổ của tín dụng đen. Trái ngược với tín dụng tiêu dùng, tín dụng đen gây bất ổn trật tự xã hội, tác động xấu đến hoạt động tiền tệ ngân hàng.
Để đẩy lùi tín dụng đen, Phó thống đốc cho rằng không phải ngành ngân hàng vào cuộc để đi ngăn chặn tín dụng đen hoạt động mà phải chặn từ ngay nhu cầu phát sinh loại hình này, chính là xây dựng những giải pháp để người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn với tín dụng chính thống.
Phó thống đốc cũng cho biết, ngoài những gói tín dụng từ phía Agribank và các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cũng trình Thủ tướng phương án để Ngân hàng Chính sách Xã hội xây dựng thêm gói tín dụng mới dành riêng cho các hộ vừa thoát nghèo, cận nghèo, tránh để tình trạng tái nghèo, hoặc khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng chính thống. Đồng thời, cơ quan điều hành cũng sẽ tiếp tục cấp phép thêm cho một số tổ chức tài chính vi mô trong thời gian tới.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước trong việc hạn chế tín dụng đen, ngân hàng này đã và đang đẩy mạnh cho vay hộ gia đình, cá nhân, phục vụ cho vay tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay của Agribank tính tới ngày 5/4 đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó 70% cho vay nông nghiệp, nông thôn.
Riêng với phân khúc cho vay tiêu dùng, vay tín chấp, nhà băng này đã có chính sách cho vay không cần tài sản đảm bảo tối đa lên đến 200 triệu đồng với mỗi khách hàng. Tổng dư nợ với các khoản vay này đạt 161.000 tỷ đồng trên quy mô 2 triệu hộ được vay.
Với Ngân hàng Chính sách Xã hội, ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc cho biết, ngân hàng này đã cho vay thông qua gần 181.000 sổ tiết kiệm với tổng dư nợ hơn 193.300 tỷ đồng, trong đó qua Hội nông dân vay hơn 60.300 tỷ đồng, Hội phụ nữ gần 75.700 tỷ đồng, Hội cựu chiến binh gần 31.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những con số đã đạt được, lãnh đạo hai nhà băng này cũng cho biết có những khó khăn trong hoạt động với phân khúc khách hàng này.
Tổng giám đốc Agribank kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ của Agribank trong năm nay do việc thực hiện nhiều chương trình chính sách xã hội với đối tượng khách hàng đặc thù dẫn tới hệ số an toàn vốn (hệ số K) của Agribank đã xuống gần "ngưỡng nguy hiểm". Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, hệ số K của các ngân hàng phải duy trì trên 9%, với Agribank hiện chỉ còn 9,14%.
"Nếu không được tăng vốn để cải thiện hệ số K, sẽ rất khó để Agribank mở rộng dư địa tín dụng với những chương trình chính sách xã hội, đặc biệt khi nhóm khách hàng này có hệ số rủi ro cao hơn hẳn các khoản vay thế chấp có tài sản đảm bảo", ông Tuấn cho biết.
Với Ngân hàng Chính sách, lãnh đạo nhà băng này kiến nghị cơ quan điều hành cho phép nâng hạn mức cho vay, xây dựng quỹ tín dụng tiêu dùng do ngân hàng quản lý để đẩy mạnh các chương trình nhằm đẩy lùi tín dụng đen.
Minh Sơn