Liên danh giữa Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn - Công ty Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp Phú Mỹ và 3 đơn vị khác là đơn vị trúng thầu khai thác bến cảng quốc tế này.
Dự án phát triển cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nằm trong nhóm cảng biển số 5, đảm nhận thông qua khối lượng hàng hóa xấp xỉ 50%, chiếm trên 60% tổng lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển cả nước.
Dự án có quy mô đầu tư hai bến container Cái Mép hạ, hai bến tổng hợp Thị Vải với tổng mức đầu tư hơn 12.890 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Bến tổng hợp Thị Vải được thiết kế và xây dựng cho tàu chở hàng rời có trọng tải 50.000 DWT, dài 600 m. Các công trình phụ trợ kèm theo gồm văn phòng, nhà kho, thiết bị, xưởng bảo dưỡng, trạm nhiên liệu, mặt sân bãi và cổng kiểm tra.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đây là dự án đầu tư xây dựng cảng biển cho tàu trọng tải lớn với quy mô trang thiết bị hiện đại. Việc đưa Bến cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải vào hoạt động sẽ nâng cao năng lực thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Dự án cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải đã được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, sẽ thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, các hãng vận tải biển lớn của thế giới từ Mỹ, Đan Mạch, Singapore, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc…tham gia đầu tư, tạo thành một hệ thống cảng container hoàn chỉnh, hiện đại. Từ đây, hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đi trực tiếp tới các cảng ở châu Âu, Bắc Mỹ mà không phải qua các cảng trung chuyển quốc tế trong khu vực, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Trước Thị Vải, Cảng Cái Mép cũng được Cục Hàng hải giao cho Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn khải thác từ cuối tháng 2/2014.
Đoàn Loan