Ngày 4/8, Chính phủ ban hành báo cáo giải trình một số vấn đề qua giám sát thực hiện nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Báo cáo do ông Nguyễn Kim Sơn, thừa ủy quyền của Thủ tướng, ký.
Trong đó, Chính phủ nêu ý kiến về đề nghị đánh giá việc tiếp tục giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa dùng ngân sách nhà nước.
Chính phủ cho rằng chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã có kết quả tích cực. Sau bốn năm thực hiện, cả nước có 6 nhà xuất bản và ba tổ chức đủ điều kiện tham gia biên soạn sách giáo khoa, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước.
"Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách sẽ làm hạn chế xã hội hóa, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng, gây sự tốn kém cho xã hội", báo cáo nêu.
Cách đây một tuần, tại cuộc làm việc của đoàn giám sát Quốc hội với Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị làm rõ căn cứ cho thấy cần Bộ biên soạn một bộ sách. Ông cho rằng việc thay sách đã đi gần hết chặng đường nên nếu có thêm một bộ sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào lúc này có thể sẽ là một cuộc điều chỉnh chính sách giữa chừng rất lớn.
Tại hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm 9/5, ông Sơn cũng cho rằng không thể quay lại sử dụng một bộ sách giáo khoa ở thời điểm này, khi hơn 12 triệu học sinh ở 9 khối lớp đã sử dụng sách mới.
"Nếu quay lại chỉ một bộ sách giáo khoa, xã hội sẽ thiệt hại hàng chục nghìn tỷ cho hệ thống sách giáo khoa đã được xuất bản trong những năm tháng vừa qua", ông Sơn nói. Sự lãng phí còn ở chỗ nhiều cá nhân, tập thể hưởng ứng chủ trương xã hội hóa đã bỏ tiền của, công sức, trí tuệ để biên soạn sách.
Với đề nghị của đoàn giám sát Quốc hội về đánh giá lại việc triển khai thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa, cũng như có thể dùng nhiều bộ sách giáo khoa cho từng môn học ở một cơ sở giáo dục hay không, Chính phủ cho hay Nghị quyết 88 nêu việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thống nhất, nhưng mềm dẻo, linh hoạt. Sách giáo khoa là học liệu, còn chương trình là thống nhất. Việc có nhiều sách giáo khoa làm phong phú nguồn học liệu cho giáo viên và học sinh.
Với mỗi môn học, giáo viên và học sinh có thể dùng nhiều bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, các sách giáo khoa có cách tiếp cận và sử dụng học liệu khác nhau. Để hướng dẫn học sinh học tập ở cùng một thời điểm bằng nhiều sách giáo khoa đòi hỏi giáo viên có nghiệp vụ sư phạm cao, học sinh tự giác và sĩ số không đông.
"Trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục phổ thông chưa đáp ứng được điều này", trích báo cáo.
Nghị quyết 88 của Quốc hội năm 2014 nêu rõ chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách, cũng như xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, bỏ độc quyền xuất bản. Ngoài ra, để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ với kinh phí 16 triệu USD từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thực hiện được việc này. Sau đó, Quốc hội đồng ý nếu mỗi môn học đã có ít nhất một bộ sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt thì không dùng ngân sách để biên soạn sách giáo khoa của môn đó nữa.
Từ năm 2020, lộ trình thay sách giáo khoa mới bắt đầu được thực hiện, ở mỗi khối lớp đều có ba bộ sách giáo khoa để các nhà trường chọn lựa. Đến năm học 2023-2024, việc thay sách ở cấp tiểu học thực hiện đến lớp 4, cấp THCS đến lớp 8, cấp THPT đến lớp 11.