Ông Phạm Văn Ngoan, 60 tuổi, quần áo tươm tất đến cầu Rạch Sậy (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) thật sớm hoà chung niềm vui khánh thành cầu mới với người dân trong vùng.
Nhớ lại cây cầu cũ vừa hẹp vừa xuống cấp, ông Ngoan cho biết người dân đi lại gặp nhiều khó khăn, nhất là buổi tối. Cũng do cầu bề ngang quá hẹp, việc vận chuyển nông sản gần như không thể mà phải đi đường vòng xa hơn. "Vậy là mong ước bấy lâu đã thành sự thật", ông cười nói.
Cầu Rạch Sậy xây mới rộng 3,7 m, dài 29 m, tổng kinh phí xây dựng hơn 950 triệu đồng, trong đó BEST Express Việt Nam tài trợ 120 triệu đồng, còn lại do địa phương đối ứng.
Tại An Giang, cầu Hy Vọng 128 ở huyện Chợ Mới và cầu Hy Vọng 167 (huyện Tri Tôn) vừa khánh thành cùng ngày trong không khí phấn khởi của chính quyền địa phương và người dân.
Chị Đoàn Tuyết Đông, nhà sát cầu Biên Giới - Vĩnh Gia, nay là cầu Hy vọng 167, cho biết cầu cũ bằng sắt, mặt cầu "vá chằng vá đụp" trong khi lan can hoen gỉ, nhiều đoạn gẫy đôi. "Cầu nhỏ, đung đưa muốn chở gì nặng cũng không dám", chị Đông cho biết.
Sau khi xây mới, cầu Hy Vọng 167 và 128 dài 29 - 30 m, rộng 3,5 m, vừa giải quyết được việc đi lại an toàn, đồng thời tạo thuận lợi cho các hộ sắp xây cất nhà mới chở vật tư qua lại. Không chỉ vậy, cầu bê tông còn nâng bước các em nhỏ đến trường, các bà các chị thuận lợi đi chợ, người dân đi đồng cũng dễ dàng hơn.
Ba công trình mới đánh dấu 173 cây cầu Hy Vọng đã hoàn thành trong số gần 220 cầu đã khởi công ở đồng bằng sông Cửu Long. Từ khi thực hiện năm 2018, chương trình "Nâng bước em tới trường" đã xây mới 59 cây cầu ở An Giang và 66 cầu ở Đồng Tháp và hơn 100 cầu ở Cần Thơ. Chương trình nhận được sự đồng hành của các nhà tài trợ, trong đó BEST Express Việt Nam - ủng hộ 1 tỷ đồng xây cầu Hy vọng ở đồng bằng sông Cửu Long.
Ngọc Tài