600 tỷ USD trong gói kích thích kể trên sẽ được dùng để mua lại các loại chứng khoán liên quan tới cho vay cầm cố. Phần còn lại sẽ thông qua ngân hàng để hỗ trợ người dân vay vốn. Hiện tại, các tổ chức tài chính rất miễn cưỡng cho vay, khiến nền kinh tế càng khó khăn hơn khi đã đứng gần bờ vực suy thoái.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson kỳ vọng nhiều vào gói giải pháp mới. Ảnh: AFP. |
"Hàng triệu người Mỹ rất khó khăn để tiếp cận với nguồn tài chính phù hợp với nhu cầu chi tiêu cơ bản", lời phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson lột tả hết những khó khăn hiện nay mà nền kinh tế Mỹ đang đối mặt.
Những kênh cho vay chủ chốt như thẻ tín dụng, vay mua ôtô, tín dụng sinh viên gần như đã bị ngừng trong tháng 10. Theo ông Paulson, gói giải pháp mới sẽ khơi thông bế tắc này, giúp hoạt động cho vay trở lại bình thường.
"Sẽ phải mất thời gian để vượt qua khó khăn. Nhiều thử thách mới sẽ tiếp tục xuất hiện. Nhưng chúng tôi cam kết sử dụng mọi công cụ để bảo vệ các tổ chức tài chính cũng như đảm bảo sự bình ổn của thị trường, nhằm giảm thiểu mọi tác động tới những lĩnh vực còn lại của nền kinh tế", ông Paulson nói thêm.
Tiến trình cứu trợ kinh tế Mỹ - 19/9: Quan chức Chính phủ Mỹ bắt đầu triển khai kế hoạch 700 tỷ USD giúp các ngân hàng thoát khỏi tình trạng nợ xấu. - 6/10: FED công bố kế hoạch mua một lượng lớn các khoản nợ ngắn hạn từ các công ty nhằm khai thông thị trường tiền tệ đang đóng băng. - 14/10: Chính phủ Mỹ dùng 250 tỷ USD trong gói 700 tỷ để mua lại cổ phiếu của một số ngân hàng quan trọng. - 9/11: Tập đoàn bảo hiểm khổng lồ AIG có thêm hỗ trợ tài chính của Chính phủ Mỹ, nâng tổng khoản tiền nhận cứu trợ lên 150 tỷ USD. - 12/11: Các nhà chức trách từ bỏ kế hoạch dùng một phần trong 700 tỷ USD mua lại khoản nợ xấu của nhà băng. Thay vào đó, sẽ tập trung mua cổ phiếu của các nhà cho vay đang gặp khó khăn. - 25/11: Gói giải pháp mới với tổng số tiền lên tới 800 tỷ USD được công bố. |
Kế hoạch cứu trợ 800 tỷ USD được đưa ra ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố những số liệu quý III cho thấy nền kinh tế đang lao dốc với tốc độ lớn hơn nhiều tiên liệu trước đó. GDP quý III giảm 0,5%, cao hơn mức dự báo âm 0,3% đưa ra hồi tháng 10. Chi tiêu của người tiêu dùng cũng về mức thấp nhất trong vòng 28 năm qua.
Trong khi đó, chỉ số giá nhà đất trên toàn quốc do Standard & Poor công bố giảm kỷ lục 16,6% so với quý III năm ngoái, đưa giá bất động sản xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2004.
Cùng với gói giải pháp 700 tỷ USD công bố hai tháng trước, tổng số tiền mà Mỹ dự định bơm vào hệ thống tài chính đã lên đến 1.500 tỷ USD. Động thái mới của FED được giới chuyên gia nhiệt tình ủng hộ.
"Họ đang tiến dần tới điểm mấu chốt của vấn đề. Bước đi này thật rõ ràng, nhanh chóng và trực tiếp. Đây cũng là cách tốt để hạ lãi suất cầm cố, qua đó bình ổn thị trường nhà đất", ông Todd Abraham thuộc Liên hiệp các nhà đầu tư Pittsburgh bình luận.
Cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất 7 thập kỷ qua bắt nguồn từ hơn một năm trước, do những rủi ro từ lĩnh vực cho vay cầm cố dưới chuẩn. Vốn vay đã được tung ra ồ ạt mà không quan tâm tới lịch sử tín dụng kém lành mạnh của khách hàng.
Song Linh (theo BBC)