Thông tin được Bộ trưởng Long đưa ra tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1, sáng 2/2.
Như vậy, đến nay Hải Dương ghi nhận 207 ca nhiễm, Quảng Ninh 33 ca, Hà Nội 20 ca, Gia Lai (6), Bắc Ninh (3), Hòa Bình (2), Bình Dương (2), TP HCM, Hải Phòng, Bắc Giang mỗi nơi một ca.
Quảng Ninh và Hà Nội là hai vùng dịch ghi nhận số ca nhiễm đang tăng, trong khi số ca nhiễm tại Hải Dương hàng ngày giảm. Theo Bộ trưởng Long, ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Bộ Y tế đã tăng cường hơn 1.200 cán bộ y tế đến Hải Dương, nay tình hình dịch ở địa phương này cơ bản được xử lý.
Bộ trưởng Long cho biết, sáng nay ông đã trao đổi với tỉnh Quảng Ninh, có thể sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại huyện Đông Triều và lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng ở địa bàn này. Đây là nơi vừa ghi nhận thêm 3 ca Covid-19.
"Hôm qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ Y tế cũng đã làm việc với TP Hà Nội. Thủ đô đang cố khoanh vùng cách ly. Dịch ở Hà Nội vẫn còn phức tạp, có thể kéo dài hơn so với dự kiến", ông Long nói.
Để phòng chống dịch hiệu quả trong thời gian tới, Bộ trưởng Y tế kiến nghị các tỉnh, thành tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 05 của Thủ tướng; bắt buộc đeo khẩu trang và xử phạt nghiêm. "Virus chủng mới lây nhiễm chủ yếu qua không khí nên cần phải thực hiện triệt để việc đeo khẩu trang và xử phạt nghiêm, không thể chỉ dừng lại ở khuyến cáo", ông Long nói.
Ông Long cũng đề nghị các địa phương hạn chế tập trung đông người, đặc biệt là các sự kiện ở trong không gian kín; thực hiện nghiêm chỉnh các quy định chống dịch ở khu công nghiệp, nhà máy; tăng cường quản lý xuất nhập cảnh, đặc biệt là chống nhập cảnh trái phép.
Lãnh đạo Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ cho phép các tỉnh thành được sử dụng ngân sách địa phương để mua vaccine cho địa bàn mình, vì tiền mua vaccine ít hơn kinh phí cho việc phong toả, cách ly.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong phiên họp Chính phủ lần này sẽ bàn đến việc đưa vaccine tới người dân ngay trong quý I. "Chính phủ sẽ thảo luận về quyết sách này, không thể bỏ qua", Thủ tướng nói.
Về hoạt động kinh tế, Thủ tướng cho biết trong tháng 1, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả khả quan với những tăng trưởng quan trọng. Trong đó có các ngành quan trọng đạt tăng trưởng dương như sản xuất công nghiệp, chế tạo, xuất nhập khẩu, xuất siêu và giải ngân đầu tư công.
Theo người đứng đầu Chính phủ, những chỉ số trên sẽ là tiền đề giúp nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì phát triển ổn định trong quý I. Ông đề nghị các bộ, ngành tận dụng thời cơ để cải thiện môi trường, thu hút đầu tư đối với các tập đoàn kinh tế lớn. Các tỉnh, thành cần cải thiện, đổi mới chính sách, tạo thuận lợi cho đầu tư trong nước và nước ngoài.
"Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế thị trường trong nước, tiếp cận quốc tế bằng cách tận dụng hiệp định thương mại tự do. Một vấn đề khác mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhiều lần là cần tăng cường kinh tế số, trao đổi số và các vấn đề liên quan", Thủ tướng lưu ý.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến mới, Thủ tướng đề nghị các địa phương phải chăm lo Tết cho người dân chu đáo, an toàn, đặc biệt là vùng cao, vùng sâu, vùng bị phong tỏa do dịch.
"Còn mấy ngày nữa là Tết, chúng ta cần kiểm tra lại nguồn lực, từ cấp bộ, ngành trung ương đến các siêu thị của thành phố lớn. Các địa phương cần có biện pháp chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, tránh đầu cơ, để người dân có một cái tết đầm ấm trong bối cảnh Covid-19 còn phức tạp", Thủ tướng yêu cầu.
Hữu Công