Đây là số liệu thống kê mới nhất do Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM công bố. Trước đó, chương trình đã triển khai tại 89 trường và ghi nhận những tín hiệu tích cực từ học sinh, phụ huynh.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM, dù mới áp dụng một năm, nhưng qua phản ứng của phụ huynh, học sinh có thể thấy đây là chương trình phù hợp với các em, nhất là học sinh tiểu học.
Ghi nhận từ Sở cho thấy, số lượng học sinh theo đến cuối năm học rất cao. Không có em nào bỏ chương trình tích hợp giữa chừng do không tiếp thu nổi hay cảm thấy chưa phù hợp.
Ông Hiếu cũng chia sẻ, khi xây dựng nội dung, Sở chú trọng tăng tính thực hành, đặc biệt là môn Toán, các môn khoa học ở cấp trung học cơ sở. "Ở chương trình Việt Nam, lĩnh vực Toán, khoa học còn khá nặng về lý thuyết. Do vậy, khi chương trình tích hợp thực hiện song song với chương trình của Bộ đã mang đến nhiều hoạt động thực hành, giúp học sinh vận dụng tốt kiến thức của mình trong thực tiễn", ông Hiếu nhận định và cho rằng đây là cơ hội để các em tập luyện nghiên cứu khoa học cũng như vận dụng kiến thức đã học vào trong thực tế.
Đề án “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh quốc và Việt Nam” gọi tắt là chương trình tiếng Anh tích hợp chính thức triển khai tại TP HCM hơn một năm nay theo chỉ đạo của UBND TP HCM. Đây là chương trình tích hợp giữa khung chương trình Quốc gia Anh và của Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam.
Học sinh học 8 tiết mỗi tuần các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh cùng với giáo viên bản ngữ. Phần nội dung khung chương trình Anh sẽ do giáo viên bản ngữ đảm trách, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ về nội dung giữa giáo viên Việt Nam và bản ngữ để tránh trùng lặp. Các em được giảm tải nội dung và học với 100% giáo viên người bản ngữ.
Là một trong những trường triển khai chương trình sớm, bà Hoàng Thị Lê An - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (quận 1) đánh giá nội dung giảng dạy phù hợp với nhu cầu hiện nay của học sinh, phụ huynh. “Chúng tôi nhận thấy học sinh không chỉ giỏi về ngoại ngữ mà kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của các em cũng tiến bộ. Các em còn phát huy tư duy khoa học, tiếp thu kiến thức qua chương trình truyền đạt bằng ngôn ngữ Anh”, cô Lê An chia sẻ.
Thông qua những tiết dự giờ, ông Nguyễn Hữu Hạnh - Hiệu trưởng trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh) nhận thấy, các tiết học không nặng về kiến thức mà đi sâu vào kỹ năng, hướng học sinh theo lối tư duy sáng tạo, chủ động và vận dụng tốt phương pháp tự học.
Ở góc độ phụ huynh, anh Trương Huỳnh Anh Tuấn - phụ huynh bé Trương Nguyễn Tuấn Kiệt, lớp 1/6 trường Tiểu học Trần Bình Trọng (quận 5) chia sẻ, sau một năm theo học, khả năng tiếp thu ngoại ngữ của con cải thiện. Trong lớp, bé mạnh dạn phát biểu và tham gia các trò chơi thực hành những vốn từ đã học. Chương trình kéo dài liên tục từ tiểu học đến phổ thông và có thể du học nên anh không lo lắng việc tìm trung tâm ngoại ngữ cho con.
Hơn một năm rưỡi cho con theo học chương trình tiếng Anh tích hợp ngay tại trường THPT công lập gần nhà, chị Ngọc Thu (quận 1) nhìn nhận, An tự tin giao tiếp với người nước ngoài, năng động hơn trong nhiều hoạt động. Theo dõi sách của con, chị thấy ngoài kiến thức thuộc khoa học tự nhiên, hầu hết những bài học về văn hóa - xã hội đều là kiến thức thuần Việt được dạy bằng tiếng Anh, giúp hỗ trợ phát triển tư duy, năng lực học sinh.
Với những tín hiệu tích cực này, trong năm học 2016-2017, nhiều trường trên địa bàn thành phố đã chủ động đề nghị triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp tại đơn vị của mình.
Ngọc Anh