Luật sư Lê Công Định lúc bị bắt. Ảnh: Công An Nhân Dân |
Theo đó, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, tạm giam ông Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long để điều tra về tội tuyên truyền chống nhà nước XHCN Việt Nam (điều 88 Bộ luật hình sự). Liên quan vụ việc, 3 người khác đã bị tạm giữ hình sự là Lê Công Định và 2 phụ nữ.
Theo cơ quan điều tra, sau khi bị bắt khẩn cấp (ngày 13/6), phải mất hơn 10 tiếng, việc khám xét nơi làm việc và nhà riêng của ông Định mới hoàn tất. Phía công an thu rất nhiều tài liệu để phục vụ cho quá trình điều tra. Suốt 6 ngày qua, việc khai thác lời khai của ông Định được tiến hành khẩn trương.
Ông Định nhận đã lập một "hộp thư chết", sử dụng bí danh "chị tư" để liên lạc với hai người ở nước ngoài có tên là Nguyễn Sĩ Bình (người được cho là cầm đầu tổ chức "Đảng nhân dân hành động" tại Mỹ và Đảng Dân Chủ Việt Nam) và ông Trần Huỳnh Duy Thức. Họ sử dụng chung mật khẩu, trao đổi thông tin không cần gửi mail, viết và lưu luôn trong hộp thư.
Trong biên bản lời khai viết tay mà cơ quan điều tra cung cấp, ông Định viết, tháng 2 đã sang Thái Lan tham gia khóa huấn luyện "đấu tranh bất bạo động" do Việt Tân tổ chức. Trước đó, tháng 6/2006, tổ chức Việt Tân phân công ông này tham gia "Ủy ban pháp luật" của Liên minh dân chủ nhân quyền và Việt Tân để dự thảo hiến pháp đa nguyên, đa đảng cho Việt Nam.
Tháng 3, ông Định cùng Thức tiếp tục sang Phuket (Thái Lan) gặp Nguyễn Sỹ Bình bàn bạc, thống nhất thành lập các đảng chính trị đối lập để thay thế Đảng Cộng sản khi xảy ra biến cố chính trị tại Việt Nam.
Trước đó, tại Mỹ vào tháng 9/2008, ông Định đã gặp ông Bình và được giao bản "điều lệ Đảng dân chủ Việt Nam" để chỉnh sửa. Đến tháng 2, ông Nguyễn Sĩ Bình tiếp tục gửi bản "tân hiến pháp" dày 112 trang để Định nghiên cứu. Sau khi lật đổ Nhà nước CHXHCN Việt Nam sẽ thành lập nhà nước theo thể chế chính trị đa đảng.
Cơ quan an ninh cho rằng, để phục vụ cho ý đồ nhằm thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam, ông Định đã dùng nhiều bút danh khác nhau viết hơn 20 bài gửi cho các tạp chí "Đảng dân chủ Việt Nam", "Tập hợp thanh niên dân chủ"...
Tại cuộc họp báo chiều 18/6, cơ quan an ninh điều tra đã công bố một clip quay cảnh luật sư Lê Công Định đọc lời khai nhận tội vào ngày 17/6. Với giọng đều đều, không vấp váp, ông Định cắm cúi đọc: "Tôi rất ân hận với những hành vi sai trái của mình. Tôi mong được nhà nước xem xét cho hưởng lượng khoan hồng".
Phía công an cho biết, bị can Trần Huỳnh Duy Thức cũng nhận đã có nhiều bài viết trên blog như "sinh nhật lần thứ 79 của đảng cộng sản Việt Nam là lần cuối", "Minh chủ sắp xuất hiện"... có nội dung xuyên tạc chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước... gây mất lòng tin trong nhân dân. Thức cho biết ông Định đã liên lạc với Thức để thông báo tình hình trong nước và kích động việc tấn công từ bên ngoài vào Việt Nam.
Còn bị can Lê Thăng Long khai quen biết Thức từ khi học Đại học Bách khoa TP HCM và được Thức phân công tổ chức kế hoạch tập hợp lực lượng dưới hình thức câu lạc bộ "chấn hưng nước Việt" do Long làm chủ tịch.
Long đã kết hợp với các thành phần chống phá Nhà nước tại Australia để thành lập tập đoàn kinh tế, thực chất là tổ chức để tập hợp lực lượng chống phá nhà nước.
Cơ quan điều tra cho biết, những hành vi của các ông: Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định và một số người khác có liên quan tới nhau. Do vậy sẽ điều tra chung trong cùng một vụ án.
Ông Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao: Việt Nam bảo đảm quyền tự do chính kiến Ngày 17/6, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ và thông tin xung quanh việc bắt Lê Công Định, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói: Theo thông tin do Bộ Công an cung cấp, Lê Công Định đã vi phạm pháp luật, câu kết với một số người ở nước ngoài hoạt động nhằm chống Nhà nước Việt Nam. Việc bắt giữ Lê Công Định được tiến hành theo đúng trình tự của pháp luật. Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do chính kiến của công dân và khuyến khích người dân đóng góp ý kiến và tham gia tích cực vào mọi mặt đời sống của đất nước. |
Đức Quang - Hoàng Khuê