Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ Tư pháp cho rằng đề xuất HĐND thành phố tăng 30 đại biểu sẽ cần kinh phí bầu cử, phụ cấp, cơ sở vật chất, văn phòng, hoạt động theo nhiệm kỳ 5 năm. Khoản phụ cấp cố định chi trả cho đại biểu HĐND thành phố hàng năm gồm công tác phí, Internet, chăm sóc sức khỏe, thuê chuyên gia.
Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ, đại biểu được hỗ trợ trang phục, thiết bị điện tử phục vụ công tác; hỗ trợ kinh phí hoạt động chuyên môn khác căn cứ nhiệm vụ; chi trả lương, chế độ đại biểu chuyên trách tăng thêm. Tổng kinh phí phải chi trả cho 30 người là 4,71 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, không tổ chức HĐND cấp phường nhiệm kỳ 2026-2031, số đại biểu HĐND các cấp của Hà Nội sẽ ít hơn so với quy định khoảng 7.000. Kinh phí bố trí cho hoạt động của HĐND các cấp và đại biểu so với nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 sẽ tiếp tục giảm so với quy định.
"Như vậy việc tăng thêm 30 đại biểu HĐND TP Hà Nội dự kiến không làm phát sinh thêm ngân sách của thành phố khi không tổ chức HĐND phường", Bộ Tư pháp nêu.

Một phiên họp tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội, tháng 12/2022. Ảnh: Xuân Hải
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, Hà Nội là một trong hai địa phương có quy mô dân số đông nhất cả nước với tốc độ gia tăng cơ học 1,4%/năm; số lượng người cư trú, thường xuyên và làm việc tại Hà Nội khoảng 10 triệu.
Với 95 đại biểu HĐND thành phố như hiện nay, bình quân 105.000 người/đại biểu, thấp hơn bình quân chung cả nước là 26.500 người/đại biểu HĐND cấp tỉnh. "Nếu không đủ số lượng đại biểu thì không bảo đảm tính đại diện, quyền lợi của cử tri và nhân dân Thủ đô", Bộ Tư pháp nhận xét.
Dự kiến số lượng đại biểu HĐND tăng thêm sẽ là nhà khoa học, trí thức, doanh nghiệp và đại diện cho tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội thành viên của Mặt trận Tổ quốc. Đây là nguồn bổ sung để tăng cơ cấu đại biểu đại diện cho thành phố trực thuộc TP Hà Nội và bổ sung đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách.
Việc tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô và yêu cầu đảm đương khối lượng công việc ngày càng tăng của chính quyền các cấp trong bối cảnh thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách tài chính ngân sách đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội.
Bộ Tư pháp lưu ý quy định mới sẽ tạo ra một số thay đổi trong trong tổ chức bầu cử; bố trí cơ sở vật chất và điều kiện đảm bảo khác cho đại biểu tăng thêm; điều chỉnh, phân công lại trong hoạt động chung của HĐND. Việc tăng cường đại biểu chuyên trách cần đủ tiêu chuẩn cần thiết để bảo đảm tính chuyên nghiệp.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp 6 vào cuối tháng 10.