Nên cảnh giác với thức ăn đường phố. |
Hai bệnh nhân mới đã được đưa đến điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. Tính từ ngày 7/3 đến nay, cơ sở này đã tiếp nhận khoảng 50 ca tiêu chảy cấp, trong đó có 9 người được xác định là dương tính với phẩy khuẩn tả, phần lớn sống ở Hà Nội (rải rác ở 4 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai).
Đã có 5 bệnh nhân được xuất viện, số còn lại không đến nỗi quá nguy kịch. Hiện cơ quan y tế dự phòng đã phun hoá chất khử khuẩn xung quanh nhà các bệnh nhân, theo dõi sức khỏe của những người trong gia đình hoặc có tiếp xúc trực tiếp với họ.
Bộ Y tế vừa có công điện khẩn gửi đến các tỉnh thông báo sự xuất hiện của bệnh tả và yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp đề phòng. Tiến sĩ Trần Đáng, Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), khuyến cáo người dân hết sức thận trọng khi sử dụng rau sống và thực phẩm đường phố, bởi nhiều nơi người nông dân tưới rau bằng phân tươi, và phần lớn bệnh nhân tả mới đều ăn thực phẩm này. Ông Đáng cũng cho rằng không nên chủ quan với mắm tôm vì đây vẫn là thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm do việc sản xuất chưa đảm bảo vệ sinh.
Để hạn chế nguy cơ nhiễm tả, Bộ Y tế khuyến cáo người dân triệt để thực hiện 4 biện pháp:
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi vệ sinh. Gia đình có người nghi tiêu chảy cấp cần rắc vôi bột hoặc Chloramin B sau mỗi lần đi tiêu. Phân và chất thải bệnh nhân phải đổ vào nhà tiêu, cho vôi bột và Chloramin B.
- Ăn chín uống sôi, không uống nước lã, không ăn rau sống hay thực phẩm dễ nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua. Hạn chế tập trung ăn uống đông người như ma chay, cưới xin...
- Nguồn nước ăn uống phải được bảo vệ sạch sẽ.
- Không đổ chất thải, nước giặt rửa đồ dùng của bệnh nhân hay vứt súc vật chết, rác... xuống ao, hồ, sông, giếng. Khi có người bị tiêu chảy cấp, nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Hải Hà