Ảnh: CNN. |
Cuộc kiểm tra do Thanh tra Bộ Văn hoá thông tin phối hợp với Cục cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15), Bộ Công an, tiến hành đột xuất. Tại Nikkiso (công ty của Nhật Bản) có gần 30 máy tính dành cho hoạt động kinh doanh bị phát hiện cài đặt phần mềm vi phạm bản quyền. Lãnh đạo công ty này thừa nhận hành vi sao chép phần mềm máy tính mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu và ký vào biên bản vi phạm hành chính. Giá trị các phần mềm bất hợp pháp tại đây ước tính gần 600 triệu đồng.
Còn tại Công ty thương mại Hoàng Hà có 50 máy tính chứa các phần mềm vi phạm bản quyền, ước tính giá trị thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Sản phẩm bị sử dụng bất hợp pháp bao gồm: bộ gõ Vietkey , ACDSee, WinRar, Adobe, Symantec Antivirus, Microsoft Windows, Microsoft Office XP, Office Visio Professional 2003, Frontpage, Windows 2003 Server và một số chương trình phần mềm dành cho máy chủ của Microsoft; bộ từ điển Lạc Việt mtd 2002-EVA.
Động thái này của các cơ quan chức năng nhằm thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm xuống bằng mức trung bình trong khu vực vào năm 2010 theo Quyết định số 51 Thủ tướng phê duyệt "Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010". Thời gian tới, các cuộc thanh tra sẽ tiếp tục trên diện rộng chứ không chỉ tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.
Ngày 12/4/2007, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 51 phê duyệt "Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010". Mục tiêu là Việt Nam đạt trên 800 triệu USD/năm tổng doanh thu từ phần mềm, dịch vụ và sẽ thuộc nhóm các nước dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực phần mềm, lọt vào danh sách 15 quốc gia cung cấp dịch vụ gia công phần mềm hấp dẫn nhất trên thế giới. Thủ tướng cũng đưa ra mục tiêu đến 2010, Việt Nam sẽ giảm tỷ lệ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lĩnh vực phần mềm xuống bằng mức trung bình trong khu vực. |
Nguyễn Hằng