![A Syrian girl waits with her family, who say they have received permission from the Syrian government to leave the besieged town of Madaya, as they depart after an aid convoy entered the town on Jan. 11, 2016.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/01/30/syria-1410-1454167020.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hY1imCUDKaGwVL3zLOkbbw)
Người dân và trẻ em ở thị trấn Madaya đang chờ đợi được sơ tán. Ảnh: Reuters
BBC dẫn tin từ tổ chức từ thiện Bác sĩ Không biên giới (MSF) cho hay 33 người cũng đang có nguy cơ chết đói.
Brice de la Vingne, giám đốc hoạt động của MSF, cho biết tình hình hiện nay là "hoàn toàn không chấp nhận được" khi mọi người "nhẽ ra phải được sơ tán từ vài tuần trước".
Theo tổ chức này, 30 người đã chết vì không có gì ăn tại thị trấn Madaya vào cuối năm ngoái.
Madaya, nằm cách thủ đô Damascus 25 km về phía tây bắc, đã bị lực lượng chính phủ Syria và phiến quân đồng minh Hezbollah của Lebanon bao vây suốt 6 tháng nay.
Khoảng 40.000 người được cho là đang bị mắc kẹt ở đây trong tình trạng vô vọng. Nhiều người buộc phải ăn chó, mèo, cây cỏ để tồn tại qua ngày.
Các cơ quan nhân đạo đã kêu gọi sơ tán hàng trăm người khỏi Madaya ngay lập tức để được chữa trị y tế. Tuy nhiên, MSF cho hay người dân vẫn tiếp tục chết đói vì lực lượng liên minh chính phủ ngăn cản người bệnh rời khỏi thị trấn và không cho thực phẩm cũng như thuốc men vào bên trong.
Không có bác sĩ nào có mặt để giúp đỡ khi 16 người tử vong gần đây.
Tuy nhiên, Hezbollah bác bỏ về những trường hợp tử vong trong thị trấn và cáo buộc các thủ lĩnh phiến quân ngăn người dân sơ tán.
Hồi đầu tháng, hơn 40 xe tải chở thực phẩm và hàng cứu trợ đã đến Madaya. Liên Hợp Quốc hy vọng có thể chuyển thêm nhiều hàng cứu trợ đến đây cũng như hai thị trấn phía bắc bị phiến quân Sunni bao vây Foah và Kefraya.
Theo Liên Hợp Quốc, hiện có khoảng 400.000 người đang bị mắc kẹt và cần hỗ trợ khẩn cấp tại 15 địa điểm ở Syria.
Các nhà thương thuyết đại diện cho các nhóm đối lập chính ở Syria dự kiến đến Geneva, Thụy Sĩ, cuối ngày hôm nay để tham dự cuộc đàm phán nhằm chấm dứt nội chiến. Việc phân phát hàng cứu trợ đến những thị trấn bị bao vây là yêu cầu chính của các nhóm đối lập.
Anh Ngọc