Ngày 24/7, tại Hà Nội diễn ra buổi tham luận về cuốn Thể xác lưu lạc, tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Tiến Đạt, và là cuốn tiểu thuyết đầu tiên lọt vào chung khảo giải thưởng văn Bách Việt 2009. eVan.Vnexpress.net giới thiệu đến bạn đọc một trong những bài tham luận viết về tác phẩm này. |
"Chúng ta tồn tại để làm gì hả anh?
- Để sống tử tế hơn ngày hôm qua",
"Anh ở đâu trong đám đông này?
Ai là người đồng điệu với anh trong những khi tâm hồn bất an?
Ai giải mã giùm anh tại sao vướng vào những phù phiếm đam mê cố tật?
Ai nhìn anh xuyên qua trong khi anh chỉ cần một cái nhìn khoan dung, độ lượng?
Còn anh?
Anh đã làm gì mang lại niềm vui, bình yên cho người thân và những người lân cận?
Liệu anh có chấp nhận sự thua thiệt bản thân để góp phần vào công cuộc tẩy rửa rác rưởi trong môi trường đang ngày càng ô tạp vì tính bền vững chung của cộng đồng?".
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên lọt vào chung khảo giải văn Bách Việt năm nay. |
"... Nhiều khi anh quên họ tên, ngày tháng năm sinh và quê quán. Những lúc như vậy anh phải tốn khoảng thời gian lâu để lần hồi kết nối các thông tin. Khi đã tìm ra tất cả các thông tin cần thiết, đáng lẽ tinh thần anh phấn chấn vì đã tự giải quyết một công việc có ích cho chính bản thân mình. Vậy mà, chính trong thời điểm ấy trong anh le lói sự mất tự tin cùng cực".
Cứ như thế, những hồi ức đứt đoạn và những trăn trở như để mổ xẻ hoặc lý giải về quá khứ, rồi những câu hỏi và trả lời, những tự vấn và tâm sự uất ức hoặc dửng dưng, những niềm vui thoáng qua, những cuộc tình và vô số cuộc giao hoan được mô tả với động tác và ngôn từ hầu như lặp lại, rồi rượu và ngao du, rồi chân thành và phản bội, rồi khoan dung và gian trá... liên tục xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết, chúng làm cho cuộc truy tìm người yêu của Trần - nhân vật chính trong tiểu thuyết, như trở thành điểm tựa mang vác một luận đề về sự tồn tại. Chúng làm tôi như thấy thấp thoáng đâu đó, như có bóng dáng của "tinh thần hiện sinh"?
Cái "tinh thần hiện sinh" ấy như đã khởi phát từ ngày Trâm - người Trần yêu tha thiết và gắn bó như máu thịt, bỗng nhiên biến mất, mà căn nguyên có thể (xin nhấn mạnh - NH) là do tai nạn giao thông, nhưng Trần lại không đi tìm, anh dửng dưng: "không vào nhà xác các bệnh viện tìm Trâm. Anh không dám tin Trâm bị tai nạn chết. Anh không đủ can đảm nhìn Trâm trong đời sống thực vật. Anh không đủ khả năng cưu mang Trâm khi nàng nằm trên giường bệnh. Anh chọn giải pháp chờ đợi ngày đẹp trời nàng quay về". Để rồi hàng chục năm sống như tha nhân giữa cuộc đời, trong cuộc mưu sinh từ khốn khó đến thành đạt, Trần vẫn bị ám ảnh bởi câu hỏi: Trâm còn sống hay Trâm đã mất, có nên đi tìm Trâm hay không? Để rồi, Trần đã đi tìm. Đi tìm một cách ý thức nhưng đón nhận kết quả một cách vô thức. Thiết nghĩ, đó chính là nghịch lý ở nhân vật này, nếu không nói là Trần sống trong một thế giới tinh thần lưu lạc.
Tác giả đã "làm nên" Trần giữa những tình huống xã hội - tinh thần tưởng chừng là đặc biệt, nhưng suy đến cùng cũng không nhiều đặc biệt. Các biến động quyết liệt của xã hội, sự chuyển dịch mạnh mẽ của nhiều giá trị thiết thân, cuộc mưu sinh cơ hồ vừa vô trật tự vừa đan xen với các mánh khoé, mẹo mực vốn chưa từng xuất hiện một cách ồ ạt trong đời sống thường ngày của người Việt đã và đang đẩy những ai "cả nghĩ" vào tâm trạng hoang mang, nếu không nói là bất ổn.
Chấp nhận để thay đổi, thậm chí là đánh mất mình, hay trì níu những gì từng làm nên mình mà khó có thể tường minh kết quả ra sao, hay chán nản, bất cần và phó thác theo lối "mặc đời trôi chảy"... đều là các câu hỏi dự phóng đang "lưu lạc" trong đời sống tinh thần của không ít người. Nhưng, suy tư và các câu hỏi đặt ra ở cuốn tiểu thuyết đã vượt qua ý nghĩa của "tinh thần hiện sinh", vì các nhân vật, như Trần chẳng hạn, vẫn ý thức về trách nhiệm xã hội, anh vẫn biết "sống tử tế hơn ngày hôm qua", vẫn tự dằn vặt mình với các câu hỏi: "Anh đã làm gì mang lại niềm vui, bình yên cho người thân và những người lân cận? Liệu anh có chấp nhận sự thua thiệt bản thân để góp phần vào công cuộc tẩy rửa rác rưởi trong môi trường đang ngày càng ô tạp vì tính bền vững chung của cộng đồng?". Có lẽ đó là vấn đề xã hội - con người mà Thể xác lưu lạc đặt ra, làm cho cuốn tiểu thuyết có dáng dấp luận đề, và quả thật, "tính luận đề" trở đi trở lại trong cuốn sách như là một cách thức khảo nghiệm để tìm câu trả lời. Và với thủ pháp thời gian đồng hiện, Tiến Đạt đã có cái "chìa khoá" để cấu tứ điều anh muốn viết. Tuy nhiên, sử dụng thủ pháp mới là một việc, thành công đến đâu lại là việc khác.
Tương tự như thế, xoay quanh Trần là tập hợp các nhân vật cũng không kém phức tạp. Họ hiện hữu đấy, họ mưu sinh đấy, họ yêu đương đấy, họ vui buồn đấy... nhưng thế giới tinh thần của mỗi người vẫn là một bí mật. Hoàn cảnh và sự may - rủi đã đưa họ tới các số phận khác nhau, hiển hiện như họ đang sống, song sự tồn tại của họ không rạch ròi đến mức có thể đưa tới một (các) hình dung, bởi nếu đọc kỹ, sẽ thấy mỗi người là một bí ẩn. Chẳng có ai toàn vẹn như một chỉnh thể, đến cả các cô gái làm nghề "bán thân" như Tuyên, như Trúc Lâm cũng mang chứa trong họ thế giới tinh thần phức tạp, lưu lạc trong chính bản thân họ.
Với một cuốn tiểu thuyết ngổn ngang các tâm sự, các suy tư, các bí ẩn... khó có thể đọc một lần, nếu muốn lần theo, nếu muốn suy ngẫm cùng tác giả. Và nếu ai đọc tiểu thuyết để tiếp nhận một cốt truyện, thì Thể xác lưu lạc của Tiến Đạt vẫn có thể đáp ứng, vì có thể kể lại một cách mạch lạc theo cốt truyện. Nhưng với tôi, đọc một cuốn sách để suy nghĩ, để liên tưởng, để suy nghiệm vẫn là điều thích thú, cho dù đôi khi khó chia sẻ với tình trạng cuốn tiểu thuyết quá nhiều triết lý, quá nhiều cuộc giao hoan không phải khi nào cũng hữu lý và cần thiết.
Nguyễn Hòa