FPT Techday 2024 chiều 14/11 mở màn lúc 14h30 với chuỗi hoạt động trải nghiệm, trình diễn công nghệ cùng các phần chia sẻ, thảo luận giữa các chuyên gia đầu ngành. Đây cũng là phiên cuối của chuỗi sự kiện hai ngày thường niên, được tổ chức xuyên suốt trong 10 năm qua của tập đoàn FPT.
Phiên hội thảo xoay quanh chủ đề Sustain Now (Duy trì ngay bây giờ) với ba phần tọa đàm cùng nhiều bài tham luận xoay quanh việc khai thác sức mạnh dữ liệu, ứng dụng AI và chuyển đổi xanh từ đó giúp Việt Nam bứt tốc trên bản đồ thế giới. Buổi chia sẻ đón nhiều lãnh đạo Bộ, ngành, doanh nghiệp toàn cầu cùng hàng nghìn khán giả theo dõi trực tiếp tại hội trường Thiskyhall, TP Thủ Đức.
Dữ liệu tạo huyết mạch kinh tế quốc gia, nhiên liệu cho công nghiệp 4.0
Buổi hội thảo bắt đầu bằng khẳng định chắc nịch từ ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc Tập đoàn FPT rằng dữ liệu là "mỏ vàng" mới. Việt Nam và FPT phải nỗ lực để biến dữ liệu thành huyết mạch kinh tế quốc gia dựa trên ba yếu tố: nhân lực sản xuất số, công cụ sản xuất số và phương thức sản xuất số.
Sau khẳng định của ông Khoa, các diễn giả bắt đầu thảo luận sâu hơn về yếu tố này.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng giám đốc FPT IS, "mỏ vàng" mới chứa các thông tin, chỉ số về dân cư, đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm... có tầm ảnh hưởng to lớn lên nhiều mặt ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực trong đời sống. Việt Nam hiện thực hóa tham vọng thông qua đề án 175 - xây dựng một cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được chuẩn hóa để phục vụ công việc của Chính phủ, công dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết hiện nay nhờ cơ sở dữ liệu, công nghệ, các thủ tục hành chính ở các địa phương khắp cả nước đã trở nên tinh gọn, tiết kiệm thời gian. Việc chia sẻ dữ liệu dân cư, tài chính có thể giúp nhiều đơn vị, doanh nghiệp phát triển kinh doanh.
Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn đại diện Bộ Công an khẳng định tính quý giá của dữ liệu và cho biết hiện có nhiều doanh nghiệp lớn đang đồng hành với Bộ Công an cùng xây dựng cơ sở quốc gia. Khi có nguồn dữ liệu đủ lớn từ các doanh nghiệp tham gia, các cơ quan, bộ ngành có thể đưa ra những chính sách, hoạch định phù hợp cả về mặt tổ chức, kinh tế... Chẳng hạn, dữ liệu về thu nhập, cư dân có thể giúp đưa ra các chương trình an sinh tốt hơn cho từng khu vực. Dữ liệu về giao thông có thể giúp điều chỉnh lộ trình di chuyển thuận tiện, giải quyết các điểm đen kẹt xe.
Ở khía cạnh doanh nghiệp, khi có được dữ liệu, hoạt động kinh doanh trở nên liền mạch, mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn, dữ liệu về hải quan có thể vẽ ra bức tranh marketing tốt hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng chia sẻ dữ liệu ra sao, các bên khai thác công khai minh bạch thế nào phải chờ Luật về dữ liệu đi vào hoạt động.
"Có thể xem dữ liệu là nhiên liệu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4", các diễn giả khẳng định và cho rằng mỗi doanh nghiệp phải nghiên cứu chiến lược khai thác dữ liệu phù hợp để sẵn sàng cho giai đoạn mới.
Ứng dụng AI: nhiều nút thắt nhưng đầy tiềm năng
Bên cạnh dữ liệu, AI tiếp tục là trọng tâm thảo luận tại sự kiện. Ông Nguyễn Đăng Nguyên - Cố vấn cấp cao Bamboo Capital Group cho biết đã tham gia thị trường AI 16 năm, chứng kiến sự phát triển thần tốc của công nghệ này qua từng thời điểm.
Trong 6-7 năm nay, ứng dụng AI phổ biến ở cả phạm vi trong nước và quốc tế, đồng thời có tính thực tế cao hơn. Tuy nhiên tại Việt Nam, ông cho rằng còn nhiều rào cản và chưa có chiến lược cụ thể ở tầm quốc gia. Khó khăn còn đến từ khả năng, cách thức thu thập dữ liệu một cách hợp pháp.
Thứ hai là công suất tính toán dữ liệu ở Việt Nam còn thấp, tức những cỗ máy có năng lực tính toán siêu việt rất hiếm. Việt Nam không có ngân sách để xây dựng công suất tính toán. Khó khăn nằm ở việc không có nhà cung cấp công suất tính toán tại Việt Nam với chi phí hợp lý. "Đụng vào doanh nghiệp cung cấp toàn cầu là cháy túi ngay", ông Nguyên ví von.
Dẫu nhiều khó khăn, AI vẫn đang nở rộ trong nhiều lĩnh vực. Ông cho rằng tiềm năng ứng dụng AI hiện tại trong ngành bán lẻ rất lớn. Ngành khác là bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng. Đây là những vệt sáng rất rõ rệt về áp dụng AI. Điều này hiện nay phổ biến nhưng cách đây vài năm là một quyết sách lớn, thể hiện sự can đảm của lãnh đạo các đơn vị. Trong ngành sản xuất có thể dùng AI để quản lý chất lượng sản phẩm. Chuỗi cung ứng có thể dùng AI để quản lý tồn kho, dự báo kịch bản.
Ông Phạm Đăng Khôi, CTO FPT Retail, khẳng định thời đại hiện nay, chậm chân trong AI là "chết". Đó là lý do FPT Retail hướng dẫn AI cho các dược sĩ để họ quản lý hàng tồn kho, phân loại hàng hóa hay gia tăng trải nghiệm khách hàng. AI ứng dụng trong nhận diện đơn thuốc, tư vấn người dùng. Nền tảng AI Mentor còn tạo ra những giáo trình cá nhân hóa để nâng cao năng lực cho từng dược sĩ.
Theo ông Vũ Anh Tú - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT, hiện có hơn 200 triệu lượt người dùng các dịch vụ của AI của FPT mỗi tháng trên toàn cầu. Hệ sinh thái AI của FPT có thể chăm sóc người dùng trọn vòng đời, có thể nói chuyện, chat, thấu hiểu nhu cầu của từng người, tự động trợ giúp đem lại trải nghiệm "tương lai" cho người dùng.
Thế trận để bứt tốc trên bản đồ chuyển đổi xanh
Việt Nam có chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030 và mục tiêu Net Zero vào 2050. Đây là "mệnh lệnh" đưa doanh nghiệp vào lộ trình chuyển đổi mới với ba xu hướng chính là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi thông minh.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi xanh FPT Digital, thế trận chuyển đổi xanh toàn cầu đang thay đổi với sự dẫn dắt của các nước như Mỹ, EU, Trung Quốc. Ông khẳng định Việt Nam không thể chậm chân. Doanh nghiệp Việt có hai điều cần làm là có chiến lược phù hợp và đối tác phù hợp. Mục tiêu là làm sao để thích ứng với sự thay đổi, chớp lấy thời cơ mới.
Những doanh nghiệp chuyển đổi sớm có nhiều đặc quyền như có thể gia nhập thị trường lớn như Bắc Mỹ, EU, kiểm soát chuỗi giá trị, tăng cường năng lực cạnh tranh.
Chuyển đổi xanh thúc đẩy chuyển đổi công nghệ nhanh hơn. Doanh nghiệp không thể cạnh tranh xanh nếu không tận dụng công nghệ. Với FPT, từ khóa quan trọng đặt ra là "đồng hành". "Không quốc gia, tổ chức nào có thể đứng riêng lẻ trong quá trình này và FPT sẵn sàng đồng hành với mọi doanh nghiệp, cộng đồng", ông Tuấn Anh khẳng định.
Để đồng hành cùng chuyển đổi xanh, FPT phát triển giải pháp VertZéro, hỗ trợ tự động hóa kiểm kê phát thải, giúp doanh nghiệp đáp ứng toàn diện tiêu chuẩn xanh quốc tế. Sản phẩm tích hợp tự động hóa, hỗ trợ đề xuất lộ trình chiến lược giảm phát thải bằng cách ứng dụng công nghệ.
Ông Tuấn Anh cho biết hiện nền tảng cung cấp hơn 90.000 chỉ số phát thải được định nghĩa và sử dụng trên hơn 30 quốc gia toàn cầu cho doanh nghiệp khách hàng; hỗ trợ đến 80% nguồn lực nhân sự, thời gian được tối ưu.
FPT Techday 2024 khép lại bằng ký kết hợp tác của FPT với nhiều đơn vị để tiếp tục đẩy mạnh xu hướng AI và xanh hóa. Qua hai ngày sự kiện, hàng nghìn lượt khách từ các doanh nghiệp, người yêu công nghệ đã tiếp cận với bức tranh toàn cảnh, từ đó thấy được thực trạng và xu hướng tương lai. Loạt công nghệ, ứng dụng giới thiệu tại sự kiện góp phần hiện thực hóa thông điệp của chương trình, kéo viễn cảnh tương lai hiện hữu ngay bây giờ.
Techday 2024 là sự kiện thường niên của FPT, diễn ra vào ngày 13-14/11 tại TP HCM, đón tổng 10.000 người. Qua hai ngày, chương trình mang đến ba phiên hội thảo: Experience Now (Trải nghiệm ngay bây giờ) - Transform Now (Chuyển đổi ngay bây giờ) - Sustain Now (Duy trì ngay bây giờ), trình bày bởi 30 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Mỗi năm FPT Techday sẽ chọn một chủ đề nhằm thể hiện sứ mệnh "công nghệ vị nhân sinh". Năm nay, đơn vị chọn thông điệp "Future Now - Tương lai ở đây", nhấn mạnh về tầm nhìn công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ để phụng sự và nâng tầm cuộc sống. Thông điệp này còn thể hiện cuộc bứt phá với chiến lược gắn liền 5 trụ cột: AI - Bán - Xe - Số - Xanh (viết tắt của trí tuệ nhân tạo - AI, bán dẫn, công nghệ ôtô, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh).
Song song với các phiên hội thảo, không gian triển lãm quy mô 5.000 m2 có 25 gian hàng, chia thành 6 khu vực. Các gian hàng đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm những "công nghệ của tương lai".
Hoài Phương
Xem diễn biến chính