Bàn thắng: Ritsu Doan phạt đền 57'
Lần đầu tiên công nghệ hỗ trợ video cho trọng tài (VAR) áp dụng ở Asian Cup và ngay lập tức tác động trực tiếp vào kết quả trận tứ kết giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nó được sử dụng để tước bàn thắng mở tỷ số của Maya Yoshida trong hiệp một, nhưng giúp Nhật Bản hưởng phạt đền và dẫn tới pha lập công quyết định của Ritsu Doan đầu hiệp hai.
Đây là trận thứ năm liên tiếp Nhật Bản chiến thắng với tỷ số cách biệt tối thiểu ở Asian Cup năm nay. Lối chơi tấn công nhạt nhòa thậm chí khiến họ suýt phải trả giá trong hiệp một - khi Việt Nam liên tiếp có cơ hội ghi bàn. Trong đó, đáng kể nhất là tình huống Quang Hải dứt điểm trong vòng 16m50 bị thủ môn Gonda cản phá.
Nhật Bản chỉ chơi tốt hơn sau giờ nghỉ nhờ khả năng kiểm soát bóng vượt trội. Sự lấn lướt ở quãng thời gian đầu hiệp mang lại kết quả là tình huống phạt đền. Trọng tài Mohammed Abdulla Hassan sau khi xem lại video đã xác định trung vệ Bùi Tiến Dũng phạm lỗi với Ritsu Doan trong vòng 16m50. Trên chấm phạt đền, ngôi sao 20 tuổi tự mình ghi bàn thắng dù thủ môn Văn Lâm đã đổ người đúng hướng.
Ở lần chạm trán gần nhất tại Asian Cup 2007, Nhật Bản thắng dễ 4-1 dù Việt Nam dẫn trước. Trong lần gặp lại, các chàng trai áo đỏ suýt nữa trả món nợ xưa. Đội bóng của HLV Park Hang-seo nhập cuộc tự tin khiến Nhật Bản lúng túng những phút đầu. Sau đó, Việt Nam giữ hàng phòng ngự chắc chắn khiến các chân sút đang thi đấu ở châu Âu của Nhật Bản im tiếng.
Trong bối cảnh đó, Nhật Bản chỉ có thể làm tung lưới Văn Lâm từ tình huống cố định sở trường. Trung vệ đang chơi ở Ngoại hạng Anh là Yoshida đánh đầu sau quả phạt góc bên cánh trái. Tuy nhiên, sau khi công nhận bàn thắng, trọng tài đã nhận được thông báo từ phòng video và xem lại băng hình. Ông sau đó khước từ bàn thắng vì Yoshida đã đánh đầu đưa bóng đập tay trước khi vào lưới Việt Nam.
Việc bị từ chối bàn thắng khiến Nhật Bản xuống tinh thần. Các cầu thủ Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt và có những pha phản công sắc sảo đúng thời điểm. Công Phượng gây ấn tượng với những pha đi bóng cá nhân và dứt điểm. Trong khi đó, Phan Văn Đức và Quang Hải duy trì khả năng đeo bám và tạo cơ hội từ sai lầm của hàng thủ Nhật Bản.
Việt Nam khiến Nhật Bản bối rối trong giai đoạn cuối hiệp một khi không chỉ tấn công sắc sảo mà còn vững chãi nơi hàng thủ. Văn Lâm trở thành ngôi sao sáng bằng các pha ra vào hợp lý cùng hai pha cứu thua đẳng cấp. Thủ thành Việt Nam bay người đẩy cú đánh đầu lái bóng trong vòng 16m50 của Takehiro Tomiyasu, trước khi cản phá cú đá đối mặt của Minamino bằng đầu ngón tay.
Nhật Bản bước vào hiệp hai với tâm lý tốt hơn. Đội bóng từng bốn lần vô địch châu Á cầm bóng chắc chắn và phối hợp nhịp nhàng. Khả năng kiểm soát vượt trội đã mang tới nhiều cơ hội và giúp họ có bàn mở tỷ số. Lợi thế dẫn trước giúp họ càng có cơ hội phát huy sở trường cầm bóng và buộc cầu thủ Việt Nam tốn sức tranh cướp.
Sau bàn thua, HLV Park Hang-seo đã chơi tất tay khi thay ba cầu thủ đều có xu hướng tấn công là Hồng Duy và Xuân Trường vào sân. Sự xuất hiện của các cầu thủ này đã tạo ra nhiều cơ hội vào cuối trận nhưng Hồng Duy sút xa chệch cột dọc, còn cầu thủ vào thay người đầu tiên Văn Toàn xử lý lỗi trong vòng 16m50 khiến cơ hội gỡ hòa trôi qua.
Thất bại ở tứ kết nhưng đây vẫn là kỳ Asian Cup đáng nhớ với Việt Nam. Đội bóng lần thứ hai vào tứ kết sân chơi châu lục và gây ấn tượng với lối đá công thủ hợp lý. Trong khi đó, Nhật Bản tiếp tục hành trình chinh phục ngôi vương lần thứ năm và chờ đợi đối thủ ở bán kết sau trận đấu Iran gặp Trung Quốc.
Đội hình thi đấu
Việt Nam: Dang Van Lam, Nguyen Trong Hoang (Nguyen Phong Hong Duy 63'), Do Duy Manh, Que Ngoc Hai, Bui Tien Dung, Doan Van Hau, Do Hung Dung, Nguyen Huy Hung (Nguyen Van Toan 54'), Nguyen Quang Hai, Phan Van Duc (Luong Xuan Truong 75'), Nguyen Cong Phuong.
Nhật Bản: Shuichi Gonda, Hiroki Sakai, Takehiro Tomiyasu, Maya Yoshida, Yuto Nagatomo, Wataru Endo, Gaku Shibasaki, Ritsu Doan, Takumi Minamino (Tsukasa Shiotani 89'), Genki Haraguchi (Takashi Inui 78'), Koya Kitagawa (Yuya Osako 72').
Bảo Lam
Xem diễn biến chính