Trong gần một năm rưỡi làm việc ở Việt Nam, HLV Park Hang-seo trung thành với chiến thuật 3-4-3 hoặc biến thể 3-5-2. Mục đích của ông thầy người Hàn Quốc là gia cố sự chắc chắn nơi hàng thủ, giúp đội nhà tránh bị vỗ mặt ở các tình huống chống phản công.
Dưới thời HLV Alexander Gama, Thái Lan cũng trình diện bộ mặt tương tự. Trong cả hai trận đầu tiên của bảng K vòng loại U23 châu Á, họ luôn xuất phát bằng sơ đồ 3-4-3, với hai cầu thủ chạy cánh cơ động. Thái Lan có thể dâng cao chồng biên với tiền đạo lệch cánh, hoặc lùi về phòng ngự và chuyển sơ đồ thành 5-4-1 khi mất bóng. Cùng với hệ thống ba trung vệ và tiền vệ phòng ngự Wisarut Imura (số 11) hiếm khi dâng cao quá nửa sân, Thái Lan chủ trương kiểm soát và luân chuyển bóng chắc chắn bên sân nhà trước khi đưa sang phần sân đối phương.
Bộ khung của Thái Lan tại giải đấu trên đất Việt Nam gồm năm người, chính là năm vị trí đá chính cả hai trận gặp Indonesia và Brunei. Supachai Jaided (số 9) là người đá cao nhất, thường "mắc võng" quanh khu cấm địa, săn tìm khoảng trống rồi nhả lại cho các vệ tinh xung quanh. Supachok Sarachat (số 10) đá tiền đạo lệch trái, là mũi khoan chính trên hàng công Thái Lan. Anh này di chuyển rộng và thường tạo đột biến mỗi khi bất ngờ xâm nhập cấm địa. Wisarut đá thấp nhất hàng tiền vệ, chủ yếu giữ vai trò đánh chặn và hầu như ít tham gia tổ chức tấn công - điều thường thấy ở mẫu tiền vệ mỏ neo trong bóng đá hiện đại, tương tự Fernandinho của Man City, hay Sergio Busquets của Barca.
Hai vị trí thú vị nhất trong cách vận hành của Thái Lan là Saringkan Promsupa (số 15) và Worachit Kanitsribampen (số 8). Saringkan mang hình mẫu của một trung vệ hiện đại, có kỹ thuật, chuyền dài tốt và tích cực dâng cao phối hợp với các tiền vệ. Vị trí lệch trái trong sơ đồ ba trung vệ của Saringkan cũng là hướng lên bóng chính của Thái Lan khi họ triển khai từ sân nhà. Một cách gần giống, nhưng ở đẳng cấp thấp hơn, Saringkan gợi nhớ tới John Stones của Man City.
Worachit mang dáng dấp của một nhạc trưởng, với kỹ thuật cá nhân nổi bật. Từng có ăn tập tại Nhật Bản, số 8 của Thái Lan là ngòi nổ trong những pha tấn công của "Voi Chiến". Cao chưa tới 1m70, nhưng Worachit rất bền bỉ và chơi được nhiều vị trí ở giữa sân. Trong trận ra quân gặp Indonesia, tiền vệ của Chonburi đá lệch phải trong mũi đinh ba hàng công. Tới trận gặp Brunei, Worachit lại lui về đá tiền vệ trung tâm. Cách chơi của cầu thủ 21 tuổi rất giống Quang Hải. Nếu để khoảng trống cho Worachit, anh sẽ lập tức tạo ra một tình huống sóng gió về phía khung thành đối phương.
Do tiền vệ trụ không tham gia tấn công, Thái Lan hầu như chỉ tiếp cận khung thành đối phương từ hai cánh. Sự linh hoạt của hai cầu thủ bám biên giúp đội dễ dàng mở rộng chiều ngang sân mỗi khi giữ bóng. Bàn nâng tỷ số lên 3-0 của Supachai trong trận gặp Indonesia chứng tỏ điều này. Tám cầu thủ Indonesia chủ quan khi cho rằng nguy hiểm đã qua. Một trung vệ theo kèm Supchai thậm chí khuỵu xuống, không theo sát tiền đạo cắm Thái Lan. Khi bóng được tiền vệ trung tâm Kannarin Thawornsak chọc khe xuống cho hậu vệ phải Jakkit Wachpirom, đội bóng xứ vạn đảo trở tay không kịp.
Sức mạnh tấn công biên của Thái Lan thể hiện rõ qua số bàn thắng họ ghi được. Trong 12 lần xé lưới đối thủ ở vòng loại U23 châu Á, Thái Lan có bốn lần ghi bàn từ những pha đánh biên. Bên cạnh đó, khả năng không chiến của Thái Lan cũng rất đáng gờm. Nhờ chiều cao 1m82, tiền đạo cắm Supachai có thể tự dứt điểm, hoặc làm tường cho đồng đội như ở bàn nâng tỷ số lên 3-0 trong trận gặp Brunei của Sunnaphat. Trong các tình huống cố định, "Voi Chiến" còn có sự tham gia của trung vệ cao 2 met, Marco Baldini.
Cùng sử dụng 3-4-3, nhưng Thái Lan khác Việt Nam ở triết lý chơi bóng. Thầy trò Alexander Gama chủ động giữ bóng ở hai hành lang, nhờ sự vượt trội về quân số trong khu vực này. Mỗi khi lên bóng hoặc phòng ngự, Thái Lan luôn duy trì bốn cầu thủ đứng dọc một biên, gồm tiền đạo lệch cánh, hậu vệ cánh, tiền vệ trung tâm và trung tâm lệch cánh.
Vòng loại U23 châu Á 2020 mới là giải đấu chính thức thứ hai của HLV Gama từ khi nắm đội U23 Thái Lan, nhưng dấu ấn ông thầy người Brazil để lại khá rõ. Thái Lan không còn chơi rình rập như họ từng thể hiện dưới thời Milovan Rajevac, mà quay về với triết lý tấn công tương tự thời Kiatisuk Senamuang. Với dàn cầu thủ đồng đều và hầu hết đang chinh chiến tại Thai League 1, "Voi Chiến" sẵn sàng áp đặt thế trận trước bất cứ đối thủ nào trong khu vực.
Indonesia và Brunei gần như bị Thái Lan "bắt vía" trong cả hai trận. Hai đại diện Đông Nam Á không thể buộc đội bóng xứ Chùa vàng lộ điểm yếu. Có chăng chỉ là khả năng ứng phó với những tình huống bất ngờ, trong pha sóng gió cuối hiệp một trận đấu giữa Thái Lan và Indonesia.
Trước tình huống này, hàng thủ Thái Lan có hai lần luống cuống đầu trận, thời điểm Indonesia bất ngờ khoét được vào nách hàng thủ áo xanh. Tuy nhiên, Indonesia không thể gượng dậy sau hai bàn thua từ các pha bóng cố định. Và họ chẳng thể làm khó hàng phòng ngự Thái Lan được chỉ huy bởi trung vệ đội trưởng Shinnaphat.
Thắng Nguyễn