"Tôi bắt đầu tự tập MMA năm 2004. Rất ít người Trung Quốc biết MMA là gì vào lúc ấy, ngoại trừ tôi", Từ Hiểu Đông nói với South China Morning Post. "Trong nhiều năm, tôi không hề có nhà tài trợ, và hầu như phải bỏ tiền túi để tham dự các trận đấu. Tôi có thể tự hào nói rằng mình đã cống hiến đủ nhiều cho sự phát triển của MMA ở Trung Quốc".
Trong vài năm trở lại đây, MMA là môn võ phát triển bậc nhất trên thế giới. Giải đấu nổi tiếng của môn võ này - UFC - là mỏ vàng kiếm tiền của ông chủ Dana White. Những võ sĩ nổi tiếng như Conor McGregor, Khabib Nurmagomedov hay Tony Ferguson có thể đút túi vài triệu USD chỉ sau một trận đấu.
Đó là giấc mơ của hơn 100 võ sĩ MMA chuyên nghiệp tại Trung Quốc, những người luôn khao khát về một giải đấu cho riêng họ, thay vì đánh chung với các môn võ khác. Hai sự kiện được xem là sát với UFC nhất tại đại lục - Kunlun Fight và ONE Championship - không dành cho số đông bởi phí đăng ký đắt đỏ. Khi mà các võ sĩ MMA Trung Quốc chưa thể sống bằng nghề chính, họ ngần ngại trước yêu cầu đặt cược hàng chục nghìn USD chỉ cho vài phút tỉ thí.
Từ Hiểu Đông như một người tìm đường làm giàu cho MMA Trung Quốc. Từ chỗ "đấu cho vui" (trận gặp Nguỵ Lôi), võ sĩ gốc Bắc Kinh dần cảm thấy giá trị và sự nổi tiếng của anh đang trên đà đi lên. Ở trận đấu với Điền Dã hồi tháng 1/2019 tại Hà Bắc, Từ nói lấp lửng sau khi hạ knock-out đối thủ: "Hắn ta định mua chuộc tôi bằng 723.000 USD. Quá ít. Nếu hắn đem tới gấp đôi số ấy, biết đâu tôi đã thả cho hắn thắng cuộc".
Phát biểu của Từ Hiểu Đông khiến nhiều người giật mình, bởi trong 15 năm lịch sử của MMA Trung Quốc, chưa võ sĩ nào dám mơ tới số tiền lớn nhường ấy. Tuy nhiên, "Cuồng nhân" không nói chơi. Theo Epochtimes, có khoảng hai triệu người dân Trung Quốc đã chấp nhận bỏ một bữa sáng (1,3 USD) để xem trực tiếp trận đấu này. Kknews bổ sung thêm, rằng 3.000 người đã mua vé tới nhà thi đấu Lang Phường, Hà Bắc để mục sở thị Từ Hiểu Đông. Với mệnh giá dao động từ 40,5 đến 185 USD, ban tổ chức đã đút túi số tiền không nhỏ.
Trên thế giới, những trận quyền Anh hay UFC đỉnh có mức giá pay-per-view (hình thức xem gì trả nấy) cao ngất không hề xa lạ, nhưng tại Trung Quốc, điều này vẫn hết sức mới mẻ. Những võ sĩ MMA như Từ Hiểu Đông gặp nhiều rào cản. Thứ nhất, họ chưa có một giải đấu chính thức cho riêng MMA. Thay vì đánh giải một cách hệ thống theo kiểu "đến hẹn lại lên" như UFC, họ phải tự lo mọi việc, từ tìm đối thủ, xin giấy phép, rồi mới ký hợp đồng thi đấu. Thứ hai, phí đăng ký tham dự những đại hội võ thuật, chẳng hạn Kunlun Flight hay Fighting World (giải Từ vừa đấu với Lã Cương) không hề rẻ. Theo tiết lộ từ phía Từ Hiểu Đông, anh phải bỏ ra hơn 1.450 USD phí đăng ký, chưa bao gồm ăn ở, đi lại để được chấp nhận đến Tân Cương.
"Tôi phải chọn giải để đăng ký. Những giải được tổ chức ở thành phố lớn có mức giá đắt đỏ, còn nếu chịu đi xa, phí đăng ký sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên, không phải đối thủ nào cũng chịu đi hàng nghìn kilomet chỉ để đánh một trận", Từ Hiểu Đông thổ lộ.
Để "tiếp thêm" động lực cho đối phương, Từ Hiểu Đông buộc phải đặt cược. Sohu tiết lộ, võ sĩ 40 tuổi luôn phải nhận kèo trên ở tất cả các trận đã đấu. Trận gặp Lã Cương, ngoài phí đăng ký, Từ Hiểu Đông có thể mất thêm 14.500 USD nếu bại trận. Ngược lại, nếu thắng, anh chỉ nhận về một phần mười - tức là 1.450 USD - số tiền đủ để hoà vốn.
Trong buổi phỏng vấn với Sohu, trước ngày lên đường tới Tân Cương, Từ Hiểu Đông ao ước có ngày được đánh một trận đấu thực sự, được truyền thông rộng rãi và truyền hình trực tiếp. Đó là thứ không có ở trận đấu với Lã Cương hôm 18/5. Trận đấu bị chậm so với dự kiến vì họ Lã từ chối đeo bảo vệ hàm, và không được chiếu trực tiếp trên bất kể nền tảng nào, kể cả mạng xã hội. Dù vậy, những trở ngại ấy không thể làm giảm đi sức nóng của trận đấu được truyền thông Trung Quốc coi là "trận đánh thế kỷ". Theo công bố của Baidu, lượng người dùng Internet tìm kiếm từ khoá "Từ Hiểu Đông" một ngày sau khi trận đấu diễn ra ngang ngửa với từ khoá "chung kết World Cup 2018" ngày diễn ra trận đấu giữa Pháp và Croatia.
"Tôi là một công dân và tôi tin, nếu mình trở nên giàu có, nó có ích cho xã hội. Nhiều người đã liên hệ với tôi để đóng phim hay quảng cáo, nhưng đó không phải mục tiêu lớn nhất của tôi lúc này. Tôi ý thức được cơ hội hiện có và sẽ đi đến cùng trên con đường MMA", QQ dẫn lời Từ Hiểu Đông.
Thắng Nguyễn