May mắn là, bóng đá cuối cùng cũng đi đến được quyết định đúng đắn. Chúng ta buộc phải tạm dừng mùa giải. Bóng đá là môn thể thao mà tất cả chúng ta đều say mê, theo dõi và muốn chơi, nhưng khi có một tai họa nào đó như đại dịch virus corona diễn ra – rồi trở thành hiểm họa toàn cầu – bạn phải ra quyết định. Một số người đương nhiên không cảm thấy hài lòng với quyết định đó, nhưng tôi nghĩ, xét trong bối cảnh hiện tại, bóng đá chỉ là thứ yếu. Nó vốn dĩ chỉ là một môn thể thao. Khi tính mạng lâm nguy, sức khỏe của con người mới là thứ quan trọng nhất, không cần biết liệu bạn có sắp sửa đoạt chức vô địch, không cần biết liệu bạn có đang đổ mồ hôi để giành suất dự Cup châu Âu, hay bạn có đang chống chọi trước nguy cơ rớt hạng hoặc nỗ lực để giành suất thăng hạng.
Nhưng tại sao chúng ta phải chờ đợi đến tận thứ Sáu vừa qua để biết được quyết định cuối cùng? Tại sao phải đợi đến khi Mikel Arteta mắc bệnh rồi mới quyết định? Các cầu thủ, các thành viên ban huấn luyện cùng gia đình của họ đã phải trải qua một tuần lễ trong sự lo lắng. Điều đó chỉ càng cho thấy sự thiếu trách nhiệm lãnh đạo của chính phủ, của Liên đoàn (FA) và của Premier League. Tôi hy vọng chúng ta đều đã rút ra được bài học từ chuyện đó, vì sắp tới đây, còn có một quyết định cũng quan trọng chẳng kém cần được đưa ra: Khi nào thì chúng ta sẽ bắt đầu trở lại?
Với cá nhân tôi, điều đó chỉ được diễn ra một khi các cầu thủ, cổ động viên và tất cả mọi người, đều thật sự an toàn. Những người có quyền hành phải đảm bảo điều đó. Tôi hiểu rõ cảm giác của mình sẽ như thế nào nếu chỉ vì tôi phải ra sân thi đấu, trong điều kiện không an toàn, để rồi khiến một thành viên nào đó trong gia đình bị nhiễm bệnh, tôi sẽ khó lòng nghĩ đến chuyện thi đấu lần nữa. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho những người có thẩm quyền. Cũng chỉ là một trong số hàng nghìn cầu thủ mà thôi, nhưng tôi dám cá có rất nhiều người trong chúng tôi cũng cảm thấy tương tự.
Ở Derby County, hôm thứ Năm tuần trước, chúng tôi cùng ngồi đợi trên sân tập để nghe bài phát biểu của Thủ tướng Boris Johnson. Ai nấy cũng đầy âu lo. Sáng hôm đó, chúng tôi hay tin có ba cầu thủ của Leicester City có những triệu chứng nhiễm virus corona. Trận đấu trước mắt của chúng tôi khi đó là gặp Millwall, đội bóng mà cuối tuần trước nữa vừa đối đầu Nottingham Forest, CLB mà ông chủ của họ (Evangelos Marinakis) đã được xác định dương tính.
Chúng tôi lo lắng đâu phải vì sức khỏe của chính bản thân – chúng tôi đủ khỏe mạnh để chống chọi được – mà chúng tôi lo lắng cho gia đình, bạn bè, cho những ai đã tiếp xúc với chúng tôi. Chúng tôi đã suy nghĩ hết lần này đến lần khác về việc có nên tiếp tục thi đấu hay không, và thông qua bạn bè, tôi biết rằng chúng tôi không phải là những người duy nhất có suy nghĩ như vậy. Tôi không tin bất kỳ ai trong thế giới bóng đá muốn ra sân thi đấu trong tình hình này.
Ngồi ở phòng trà, chúng tôi cùng đợi xem TV đến 2h chiều và suy nghĩ: ‘Thôi, tốt hơn là nên về nhà để chuẩn bị hành lý đến London’. Phải đến tận 5h chiều, ông Johnson mới chịu phát biểu trên truyền hình. Lúc đó tôi đã về nhà, đợi ông ấy xuất hiện. Một trong những điều tôi bận tâm nhất là vấn đề trường học. Tôi có bốn cậu con trai và ông ấy tuyên bố các trường học đều an toàn, nên các bậc phụ huynh cứ tiếp tục cho con cái đi học. Còn về chuyện thể thao, ông ấy bảo: "Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định sau".
Nghe ông ấy nói xong, bạn có thể nghĩ ngay rằng: "Ông ta đang cố né tránh vấn đề, cố đẩy quả bóng trách nhiệm lại cho FA và Premier League lo liệu (vì EFL cũng sẽ nghe theo Premier League mà thôi)". Tôi không bất ngờ khi cả FA và Premier League đều không đưa ra quyết định.
Thật khó hiểu khi ba cầu thủ của Leicester mắc các triệu chứng mà chúng tôi vẫn lên kế hoạch thi đấu. Tối hôm thứ Năm đó, Arteta cũng nhiễm virus và bất thình lình, Premier League thông báo họp khẩn vào sáng hôm sau. Sao kỳ vậy? Chỉ vì Arteta là một tên tuổi có sức nặng à?
Đó chỉ là một ví dụ điển hình về cách mà bóng đá được vận hành. Chỉ vì Leicester không phải là một đội bóng đủ tầm cỡ để gây xáo trộn nên chúng ta vẫn phải tiếp tục thi đấu, nhỉ? Phải đến khi một trong số những CLB lớn hơn là Arsenal chứng kiến trường hợp nhiễm bệnh, chúng ta mới đưa ra quyết định, phải không? Cứ như thể chúng ta cố bước đi quặt quẹo, giữ cho bóng đá được tiếp tục, thay vì tìm cách để mọi người cùng nhau chuẩn bị ứng phó với tình hình trước mắt.
Lái xe đến sân tập vào buổi sáng thứ Sáu, tôi chất theo đầy đủ hàng trang sau xe và sẵn sàng để lên đường đến London. Song, trong đầu tôi lại suy nghĩ: "Mình không muốn đi chút nào cả, mình không muốn thi đấu, mình không muốn khiến gia đình và cổ động viên gặp nguy hiểm".
Sau cuộc họp khẩn của Premier League, quyết định cuối cùng cũng được đưa ra. Nhưng cho đến trước lúc đó, có cảm giác những cầu thủ chúng tôi ở Anh bị đối xử không khác gì những con chuột lang. Ở các quốc gia khác, từ tennis, F1, rugby, golf cho đến bóng đá đều tạm hoãn, trong khi ở đây, chúng tôi được yêu cầu phải tiếp tục. Hẳn sẽ có rất nhiều cầu thủ tự hỏi: "Chỉ vì vấn đề tiền bạc trong môn thể thao này nên mới như vậy?".
Ông Johnson nói: "Nếu tình hình ngày càng trở nên tệ đi, nhiều người sẽ chết". OK, vậy tại sao không đi trước đón đầu? Tại sao phải đợi đến khi tình hình nghiêm trọng như ở Italy mới chịu hành động? Tôi không thể tin được rằng lễ hội Cheltenham (nam giới xem đua ngựa và nữ giới thì diễn những kiểu mũ thời trang) vẫn được tổ chức, đám đông thì chen chúc lấy nhau. Tôi sẽ không quá bất ngờ nếu Boris cũng có một con ngựa đua ở đó...
Tại sao chúng ta đơn giản là không dừng lại hết? Người ta thường có một suy nghĩ phổ thông rằng "vì đây là bóng đá, nên các cầu thủ sẽ ổn cả thôi". Các cầu thủ cứ luôn được mặc định không khác gì những siêu anh hùng, rằng chúng tôi miễn dịch với bệnh tật. Nhưng chúng tôi cũng là con người cả và cũng như Arteta hay Callum Hudson-Odoi (cầu thủ Chelsea), chúng tôi cũng sẽ có thể mắc bệnh như mọi người.
Chúng tôi được nhắc nhở phải thường xuyên rửa tay, không bắt tay trước trận đấu, cũng như không bắt tay với các đồng đội trên sân tập. Nhưng mọi người đâu có nghĩ đến một thực tế là các chuyên viên vật lý trị liệu cần phải chăm sóc cầu thủ và tay của họ di chuyển khắp cơ thể chúng tôi. Còn khi thi đấu, chúng tôi thúc nhau, đẩy nhau liên tục. Khi đó, chúng tôi chính là đang thử thách hệ miễn dịch của cơ thể mình. Rời khỏi sân sau một trận đấu, cơ thể chúng tôi mất nước, chúng tôi kiệt sức và chúng tôi dễ dàng nhiễm mầm bệnh.
Chúng tôi thậm chí dễ bị cảm lạnh và những thứ bệnh kiểu như vậy còn hơn người thường, bởi ít nhất một hay hai lần trong tuần, có khi ngày nào trong tuần chúng tôi cũng đều phải tập luyện. Cơ thể chúng tôi cần có thời gian để nạp lại nhiên liệu và hồi phục sức lực. Bắt tay trước trận đấu ấy hả? Ai ra sân thi đấu 90 phút đều sẽ biết còn có hàng tá những hoạt động tiếp xúc khác với nguy cơ lây nhiễm cao hơn mà chúng tôi phải trải qua.
Chúng tôi sẽ phải đứng túm lấy nhau trước những quả đá phạt cố định, chúng tôi sẽ phải đứng sát bên cạnh nhau để lập rào chắn trước những tình huống đá phạt hàng rào, mồ hôi ai nấy cũng nhễ nhại, các cầu thủ đốn ngã nhau, rồi có khi máu cũng đổ. Thi đấu không có khán giả chẳng thể bảo vệ được các cầu thủ. Hết sức nực cười khi suy nghĩ rằng chúng tôi vẫn có thể tiếp tục chơi bóng và thi đấu.
Sự an toàn của các cổ động viên cũng quan trọng tương tự. Mọi người có thể hình dung ra quang cảnh của một trận đấu: những toilet trong sân, các CĐV cùng nhau tụ tập ở các quán bar trước trận, uống say sưa đến khi không còn đủ tỉnh táo để ý thức được những thứ như vệ sinh cá nhân hay tiếp xúc thân thể.
Quá lố bịch nếu đặt người hâm mộ vào tình cảnh như thế vào lúc này. Ngoài ra còn có những vấn đề khác, như chuyện các cầu thủ di chuyển bằng xe buýt hay xe chở các cổ động viên nếu chẳng may có một ai trong số đó bị nhiễm bệnh. Mọi người bỏ quên một thứ quan trọng là khi các cầu thủ di chuyển cho một trận đấu trên sân khách, sẽ luôn có đám đông cổ động viên tập trung bên ngoài khách sạn, chờ đợi để được chụp ảnh selfie, hay được ký tặng.
Nhân tiện thì chụp ảnh selfie cũng là một vấn đề: Các cầu thủ chúng tôi được khuyến cáo không nên chụp ảnh selfie với các CĐV, nhưng nếu bạn lấy lý do virus corona để từ chối, mọi người sẽ bảo "Anh đang nói cái quái gì vậy?". Đúng là điên thật! Hôm thứ Năm vừa qua, tôi có dẫn mấy cậu con trai đi bơi, một vài bạn nhỏ xin được chụp ảnh cùng và tôi không thể nói không.
Khi chúng ta trở lại, tôi không nghĩ thi đấu không có khán giả sẽ là một phương án. Các CLB nhỏ sẽ mất đi một khoản doanh thu đáng kể khi họ mở cửa lại sân vận động, họ còn phải chi trả lương cho các nhân viên và lại mất đi khoản thu từ tiền bán vé. Còn với những CLB lớn hơn, tôi đã xem trận đấu của Man Utd hồi giữa tuần ở Europa League và cảm thấy thật không công bằng cho đối thủ của họ, CLB LASK.
Đó có lẽ là đêm đáng nhớ nhất trong lịch sử của CLB này nhưng rồi họ phải thi đấu mà không có khán giả trên sân. Đúng là nhảm nhí! Mọi người yêu thích bóng đá vì những câu chuyện, những câu chuyện cổ tích mà bóng đá tạo nên. Nếu đã phải thi đấu không khán giả vì ưu tiên tránh lây lan dịch bệnh, thế tại sao lại không tổ chức trận đấu ở sân tập ấy?
Ít nhất thì giờ chúng ta sẽ có ba tuần lễ không bóng đá, sau khi FA hoãn các giải đấu đến ngày 4/4, để chính phủ và các nhà làm thể thao tìm kiếm phương án khả thi nhất. Nếu tình hình virus Corona leo thang như dự báo, rồi cũng sẽ tới lúc chúng ta buộc phải quyết định liệu có dừng hẳn mùa giải này hay không. Từ góc độ của một cầu thủ, nếu mùa giải phải kết thúc vào tháng 6 thì Euro sẽ phải bị hủy, 100% là như vậy. Chúng tôi sẽ vui vẻ chấp nhận thi đấu đến tận tháng 9 nếu như mùa giải buộc phải kéo dài, nếu như đó là giải pháp không thể khác. Vì đó là công việc của chúng tôi. Nhưng chúng tôi sẽ chỉ thi đấu đến khi nào biết rõ chúng tôi sẽ an toàn và các cổ động viên cũng an toàn.
Kỳ World Cup tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 11 và tháng 12/2022, vì thế, chúng ta có thể xem đấy là một cơ hội để kết thúc mùa giải 2019-2020 muộn hơn trong năm nay, rồi bắt đầu chuẩn bị cho World Cup 2022 bằng việc khởi tranh hai mùa giải kế tiếp vào mùa đông. Có những khía cạnh khác mà bóng đá có thể nhìn vào để ứng biến.
Điều tôi quan tâm là sự gián đoạn hiện tại sẽ tác động thế nào đến các giải đấu hạng dưới. Gary Neville đã đặt vấn đề chính xác khi nói rằng một số CLB ở League One và League Two sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vậy câu hỏi là Premier League cùng FA sẽ giúp đỡ họ ra sao?
Ví dụ như những ông chủ của các CLB ở Premier League có thể trích ra 1 triệu bảng cho mỗi CLB ở hai giải đấu hạng dưới này từ số tiền 5 tỷ bảng bản quyền truyền hình. Chi phí tổng cộng cho hoạt động quyên góp đó vị chi khoảng 47 triệu bảng, chẳng thấm là bao với những CLB tầm cỡ nhất nước Anh, nhưng có thể giúp cho nền bóng đá được duy trì ổn định. Đó có thể là một phương án?
Nhưng mọi người biết đấy, con người thường thay đổi khi nghĩ đến cảnh bị mất tiền.
Hoàng Thông (theo Times)