- Ông có thể cho biết lý do không ủng hộ Việt Nam đăng cai ASIAD 18?
- Những người lãnh đạo cũ của thể thao Việt Nam như ông Hà Quang Dự, Dương Nghiệp Chí và tôi đều nói rằng Việt Nam sẽ phải đăng cai ASIAD nhưng không phải thời điểm này. Có nhiều lý do để chưa đăng cai ASIAD như công tác chuẩn bị lực lượng VĐV chưa tốt, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, lực lượng điều hành còn yếu và bối cảnh kinh tế không thuận lợi
Từng làm việc trực tiếp nên tôi biết những VĐV đạt đẳng cấp châu lục của chúng ta rất ít, trong khi để đào tạo ra những VĐV như thế phải mất quy trình 8-10 năm và ngay cả những VĐV trẻ xuất sắc cũng phải mất 4-6 năm. Ai cũng mong muốn nếu giải đấu diễn ra ở nước ta thì thành tích phải ở mức khá, nhưng nằm trong top 10 ASIAD là bài toán rất khó với thể thao Việt Nam hiện tại.
Lý do thứ hai là cơ sở vật chất hiện tại mới chỉ đáp ứng được một phần, trong khi để tổ chức ASIAD vẫn phải mua sắm thêm nhiều thiết bị để đáp ứng yêu cầu. Các công trình đã tổ chức SEA Games và Indoor Games mới chỉ là cái nhà thôi, còn bên trong vẫn phải đầu tư. Thậm chí, nhiều cái nhà đó cũng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn tổ chức ASIAD.
Lý do thứ ba cũng không kém phần quan trọng là lực lượng điều hành ASIAD của ngành thể thao còn thiếu và yếu. Tôi lấy ví dụ Trung Quốc tổ chức Olympic 2008, có những môn IOC không tin họ có thể điều hành thành công là đua ngựa, canoeing, rowing, tennis, hockey trên cỏ… Từ năm 2006, các quan chức quốc tế phải đến Trung Quốc để chuẩn bị, đào tạo cán bộ điều hành. Sáu tháng trước khi sự kiện diễn ra họ tổ chức các cuộc thi tiền Olympic để cán bộ thực tập điều hành dưới sự giám sát của các liên đoàn thể thao quốc tế.
Ở ASIAD 2019 có khoảng 10-12 môn Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức nên phải thuê người nước ngoài đến hướng dẫn hoặc do họ trực tiếp điều hành. Muốn làm được điều này cũng phải có kinh phí và thời gian chuẩn bị.
Lo ngại lớn nhất của tôi là trong bối cảnh khó khăn về kinh tế, việc đăng cai ASIAD vốn tốn kém nhiều sẽ mang đến rủi ro. Phải tính đến yếu tố kinh tế suy thoái và chưa dự báo được bao giờ hồi phục nên vội vàng nhận đăng cai là sai lầm.
- Quan điểm của ông về tính khả thi của con số 150 triệu USD trong đề án đăng cai?
- Như đã phân tích ở trên, tất cả những yếu kém, thiếu hụt đều cần đến số tiền lớn để thực hiện. Số lượng cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện tổ chức ASIAD chỉ chiếm tỷ lệ cực nhỏ nên phải sửa sang và mua sắm thiết bị nhiều. 150 triệu USD chắc chắn không đủ để đăng cai mà con số thực phải gấp như thế nhiều lần.
- Trong trường hợp rút lui đăng cai, Việt Nam sẽ phải thực hiện những bước đi nào, thưa ông?
- Hiện không có điều lệ nào của OCA quy định là không được rút lui đăng cai. Và cũng không có điều nào quy định rút lui bị phạt bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, khi rút lui phải có điều kiện là có nước khác nhận đăng cai thay. Hiện nay chúng ta chưa biết có nước nào đứng ra thay Việt Nam đăng cai không.
Năm 1970, Hàn Quốc định đăng cai ASIAD nhưng rút lui. Thái Lan nhận làm thay nhưng OCA yêu cầu Hàn Quốc hỗ trợ Thái Lan tiền để nước này tổ chức. Khi đó, Hàn Quốc đồng ý bởi số tiền hỗ trợ ấy không tốn kém bằng số tiền Hàn Quốc có thể phải bỏ ra nếu tổ chức ASIAD.
Việc OCA phạt thế nào chưa được quy định. Khi quốc gia có đề xuất rút lui đăng cai, OCA sẽ tìm hiểu lý do. Trên cơ sở đó, Hội đồng thể thao châu Á sẽ họp và quyết định hướng xử lý thế nào.
- Quan điểm của ông về việc Việt Nam rút lui đăng cai ASIAD?
- Đăng cai ASIAD không chỉ là tính toán dưới góc độ thể thao mà còn phải tính nhiều mặt khác. Nếu đơn thuần là thể thao thì điều này rất có lợi bởi đó là động lực để VĐV và các nhà thể thao phấn đấu nhằm hướng tới những cái đích lớn. Trong trường hợp này chỉ Chính phủ mới quyết được trên cơ sở ngân khố quốc gia có đảm bảo không. Nếu tổ chức ASIAD gây thiệt hại ngân khố của quốc gia, trong khi ấy khoản đó phải dùng cho những việc quan trọng hơn thì Chính phủ sẽ có quyết định.
Nếu tổ chức ASIAD trong bối cảnh Việt Nam chưa có đủ điều kiện tổ chức tốt, không có đủ lực lượng VĐV đạt thành tích tốt và không có đủ cơ sở vật chất tốt vì quá hạn hẹp về kinh phí thì không nên làm.
Trao đổi với VnExpress.net, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thế Phương nhận định đầu tư 150 triệu USD để đăng cai Asian Games 18 là không khả thi. "Theo tôi, số tiền đó là chưa đủ", ông cho biết. Vị này cũng cho hay Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã tính toán sơ bộ về việc tổ chức ASIAD 18, song từ chối đưa ra con số cụ thể. "Hiện nay mọi tính toán chỉ là ban đầu, cần những nghiên cứu thêm nên chưa thể có con số đầy đủ, cụ thể về số tiền tổ chức", ông cho hay. Phát biểu tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thể thao thành tích cao ngày 18/3, trước ý kiến cho rằng dự án xây sân xe đạp lòng chảo cho ASIAD 18 lên tới 10.000 tỷ đồng (500 triệu USD), Thứ trưởng Phương cũng bày tỏ quan ngại về tính khả thi và yêu cầu phải làm việc lại với nhà đầu tư. Trong trường hợp không có sân, có thể loại bỏ xe đạp lòng chảo khỏi nội dung thi đấu. |