"Đây là một kỳ Olympic tuyệt vời, ở một thành phố tuyệt vời", Chủ tịch Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach nói trong diễn văn bế mạc. "Trong 16 ngày đã qua, bằng sức sống mạnh mẽ, một Brazil đoàn kết đã truyền cảm hứng cho cả thế giới, vốn đang trong những thời khắc khó khăn".
Bài phát biểu của Bach cùng vũ hội hoá trang carnival đậm sắc màu Brazil đã khép lại kỳ Thế vận hội thứ 31 trong lịch sử hiện đại, sau 16 ngày tranh tài với sự góp mặt của 11.303 VĐV đến từ 206 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.
Vẫn có những tranh cãi, phàn nàn về chất lượng trọng tài, thi đấu và hạ tầng cũng như an ninh, nhưng Olympic 2016 cũng đồng thời gặt hái những thành công to lớn về mặt thể thao. Từ hàng nghìn cuộc tranh tài sôi động, quyết liệt ở Rio de Janeiro, đã có 27 kỷ lục thế giới được thiết lập trong bảy môn thi đấu, gồm bắn cung, điền kinh, 10 môn phối hợp, đua xe đạp, bắn súng, bơi và cử tạ.
Rio de Janeiro 2016 chứng kiến màn chia tay không thể ấn tượng hơn của những tượng đài. Usain Bolt khép lại sự nghiệp ở Olympic với ba chiếc HC vàng, để hoàn tất cú hattrick vĩ đại, thống trị các nội dung chạy cự ly ngắn (100m, 200m và 4x100m) ở ba kỳ Thế vận hội liên tiếp.
Michael Phelps thì nói lời chia tay sự nghiệp đỉnh cao bằng năm chiếc HC vàng, một HC bạc và một kỷ lục Olympic tại Rio de Janeiro. Kình ngư người Mỹ tạo nên bộ sưu tập huy chương đồ sộ nhất lịch sử Thế vận hội với cả thảy 23 HC vàng, ba HC bạc và hai HC đồng qua bốn lần liên tiếp góp mặt (2004, 2008, 2012, 2016).
Kế tục họ giữ vai trò nguồn cảm hứng cho các kỳ Olympic tiếp theo là những gương mặt trẻ trung, tài năng không kém và giàu hứa hẹn. Ở môn bơi, Katie Ledecky, tuổi 19 người Mỹ, nổi lên với bốn HC vàng và một HC bạc. Joseph Schooling, người vừa đánh bại Phelps và lập kỷ lục Olympic nội dung 100m bướm, cũng hứa hẹn là một ngôi sao mới trên đường đua xanh. Simone Biles, VĐV thể dục dụng cụ Mỹ 19 tuổi, đoạt bốn HC vàng và một HC đồng.
Ở môn điền kinh, VĐV 24 tuổi người Nam Phi Wayde van Niekek, nổi lên như là ngôi sao sáng, khi lập kỷ lục thế giới mới trên đường chạy 400m, thay thế kỷ lục cũ tồn tại suốt 17 năm mà huyền thoại Mỹ Michael Johnson thiết lập từ năm 1999.
Olympic 2016 còn chứng kiến sự đổi ngôi ngoạn mục trên bảng tổng sắp huy chương, với việc đoàn thể thao Anh quốc vươn lên chiếm vị trí thứ hai với 27 HC vàng, chỉ kém đoàn Mỹ dẫn đầu (46 HC vàng). Trung Quốc, đoàn luôn nằm trong top 2 ở ba kỳ Thế vận hội trước đó, tụt xuống thứ ba khi chỉ có 26 HC vàng.
Thể thao Nga đánh dấu một Olympic thành công, đứng thứ tư với 19 HC vàng. Kết quả này được cho là gây ngạc nhiên trong bối cảnh Nga đến Rio de Janeiro sau "cơn bão" doping và mất nhiều VĐV ở các nội dung thế mạnh, trong đó có điền kinh.
Rio 2016 cũng là kỳ Thế vận hội chứng kiến nhiều đoàn thể thao đi vào lịch sử với những chiếc HC vàng đầu tiên. Việt Nam thuộc số này, nhờ hai chiếc huy chương của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, trong đó có chiếc HC vàng súng ngắn hơi 10m. Các đoàn khác lần đầu tiên có HC vàng Olympic gồm Singapore, Fiji, Kosovo, Jordan, Bahrain, Tajikistan và Puerto Rico.
Chủ nhà Brazil, bên cạnh vinh hạnh được đăng cai, còn gặt hái những thành công to lớn về mặt thể thao. Họ mở hàng chiến dịch săn HC vàng bằng chiến thắng của Rafaela Silva, võ sĩ 24 tuổi gốc Rio de Janeiro, ở môn judo trong ngày thi đấu thứ ba, và khép lại chiến dịch ấy với chiếc HC vàng thứ bảy, đến từ môn bóng chuyền nam.
Trong bảy chiếc HC vàng đoạt được, người Brazil hân hoan hơn cả với chiến công ở môn bóng đá nam. Từng năm lần vô địch World Cup, nhưng bóng đá Brazil trước đó chưa một lần biết đến vinh quang ở Thế vận hội. Họ ba lần vào chung kết và thua cả ba, trước Pháp (năm 1984), Liên Xô cũ (1988) và Mexico (2012). Chiến thắng trong loạt đá luân lưu với tuyển Đức, vì thế, đã giúp người Brazil kết thúc cơn khát HC vàng Olympic kéo dài hơn 60 năm.
"Thế vận hội ở Rio là một thử thách to lớn, nhưng đã kết thúc thành công. Tôi tự hào về đất nước này, thành phố này và những đồng bào của tôi. Rio đã làm nên lịch sử", Trưởng ban tổ chức Olympic 2016, Carlos Arthur Nuzman nhấn mạnh.
Ngày hội tại Rio de Janeiro khép lại, nhưng thể thao thế giới và phong trào Olympic vẫn vận động không ngừng, với những cuộc đua mới mở ra mà đích đến tiếp theo là Thế vận hội 2020 tại Tokyo, Nhật Bản.
Trước khi lá cờ Olympic được ông Bach chuyển giao cho thị trưởng Tokyo, bà Yuriko Koke, ban tổ chức lễ bế mạc dành 12 phút để nước chủ nhà Thế vận hội 2020 tự giới thiệu. Những nhân vật có tính biểu tượng cho thể thao, văn hoá, xã hội Nhật Bản gồm Mario, Doraemon và Tsubasa đã xuất hiện trong phần giới thiệu.
Đích thân Thủ tướng Shinzo Abe còn hoá thân thành Mario, xuất hiện giữa sân Olympic, để khẳng định cho cam kết của Nhật Bản về Thế vận hội 2020.
Nhật Tảo