Chưởng môn Ngô Xuân Bính học võ từ thân phụ và các võ sư nổi tiếng trong vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Lĩnh hội được truyền thống võ thuật dân tộc, ông đã đồng nhất, quy tụ các kỹ thuật võ để thành môn phái Nhất Nam - thuần nhất, không pha tạp với võ học nước ngoài. |
25 năm kể từ khi ra mắt tại Hà Nội, Nhất Nam dần trở thành một dòng võ đặc dị, có tính quy mô và tổ chức cao với hệ thống môn công đồ sộ, toàn diện, từ quyền cước, binh khí đến công phu luyện nội, ngoại, dưỡng sinh... |
Nhất Nam dựa trên những đặc điểm tâm sinh lý và cơ chế vận động của cơ bắp con người để tạo dựng những phương pháp luyện tập. |
Võ sinh Nhất Nam trải qua thời gian tu luyện nhanh chóng có được bản lĩnh vững vàng, trí cảm sáng suốt, khả năng phản xạ nhạy bén và cử động chân tay linh hoạt, chính xác. |
Môn võ thuật cổ truyền này còn có những thủ thuật, cách thức di chuyển, lách né để tiếp cận hoặc đánh lừa đối phương. |
Những kỹ thuật gạt, đỡ, triệt, chèn, ép, ra đòn sắc gọn. |
Người Việt có đặc điểm thể tạng nhỏ bé nên tinh thần đối kháng dựa trên sự nhanh nhẹn, lấy tránh né, kéo tỳ, triệt lực, hấp lực để phản đòn vào các huyệt đạo trọng yếu. |
Tay xà là một thế mô phỏng động tác quăng, quật, luồn, cuộn của các loài trăn vốn rất phổ biến ở vùng Thanh - Nghệ. Nó có độ đẩy, xiết, độ mở và độ uốn lượn rất linh hoạt. Tay trảo là thế đánh của của tay chĩa ngang ngón cái như cựa gà chọi, còn các ngón kia khép lại thành mũi xỉa vào các huyệt của đối phương. |
Các võ sinh Nhất Nam được tập tinh thông thập bát võ nghệ (thêm 17 loại vũ khí nữa), phỏng theo muôn vật, rút ra cái hay, cái đẹp, cái cứng, cái dẻo, cái biến hóa của muôn vật để chế thành quyền. |
Phương châm của Nhất Nam là né tránh, đánh nhanh, điểm đặt đòn chính xác, đúng chỗ hiểm, có hiệu quả cao. Do đó phải luyện thân pháp cực kỳ mau lẹ để luôn tránh được đòn của đối phương. |
Võ thuật Nhất Nam đã có mặt tại Nga, Ukraina, Litva, Belarus... và khẳng định được chỗ đứng trên trường quốc tế. |
Hoàng Hà